Dù là người viết chuyên nghiệp hay không, khi bắt tay vào viết, chắc hẳn bạn từng rơi vào trạng thái này:
- Muốn diễn tả một điều gì đó nhưng lại chưa tìm ra từ phù hợp?
- Muốn viết ra một thông điệp ý nghĩa nào đó nhưng không biết cách diễn giải sao cho câu văn mạch lạc, dễ hiểu.
- Bài viết lủng củng vì câu không diễn đạt được hết ý, đọc vào cảm thấy trúc trắc vì từ cứ lặp đi lặp lại.
Nguồn gốc của hiện tượng “bí từ”:
- Do vốn từ nghèo nàn
- Do không biết chính xác nghĩa của từ nên không hiểu hết ý nghĩa của từ và chọn đúng từ để đưa vào ngữ cảnh cho phù hợp
- Do tâm trí chứa quá nhiều suy nghĩ, không thể chuyển tải các ý nghĩ thành từ, câu một cách mạch lạc, rõ ràng
- Do căng thẳng khiến khả năng sáng tạo bị hạn chế…
Từ là chất liệu của câu chữ
Trước khi viết được một bài viết hay, bạn cần viết được một bài viết đúng về ngữ pháp, chính xác về mặt từ vựng.
Trước khi viết được câu đầy đủ nghĩa, bạn cần nắm được ngữ pháp cơ bản, hiểu được nghĩa chính xác của từ và gia tăng vốn từ.
Dưới đây là một vài cách gia tăng vốn từ nhanh và hiệu quả:
Nghe
Nghe nhạc không chỉ là cách giúp xoa dịu tâm hồn mà còn giúp tăng khả năng tiếp nhận những lời hay ý đẹp. Rõ ràng việc nghe và thuộc một bài hát dễ dàng hơn nhiều so với đọc và rút ra từ vựng hay từ một cuốn sách đúng không nhỉ?
Nhạc Trịnh, một trong những dòng nhạc có ca từ tinh tế, vừa hiếm lại vừa giàu cảm xúc. Ví dụ như từ “phiến” trong câu “Từng phiến mây hồng” (bài Tuổi đá buồn), hay “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm” (bài Ru em từng ngón xuân nồng) hoặc “phiến sầu” (bài Lời của dòng sông),…
Nhạc Rap của một số ca sĩ trẻ hiện nay như Đen Vâu, lời bài hát như lời tâm tình thủ thỉ. Cách gieo vần khéo léo, êm tai, cách chọn từ gần gũi với cách nói thường ngày.
Để cài đặt nguồn từ vựng mới vào não của bạn, từ hôm nay ngoài việc nghe nhạc để thư giãn, hãy chú ý lắng nghe lời bài hát, từ vựng được sử dụng trong bài.
Nghe với tâm thế có chủ đích, sàng lọc từ hay và tự hỏi:
- Tại sao câu này họ lại đưa từ này vào
- nó khiến cho bạn có cảm giác gì?
- Thư thái, nhẹ nhàng, sâu lắng?
- Trầm lắng, buồn, bứt rứt, tiếc nuối?
- Cô đơn, da diết, muốn buông xuôi
Đọc
- Sách vẫn luôn là kho tàng tri thức cung cấp cho con người kiến thức và vốn từ đa dạng.
- Đọc sách càng nhiều, lượng từ vựng cảu của bạn sẽ càng phong phú, hành văn sẽ càng mạch lạc, trôi chảy.
- Tùy theo chủ đề mà bạn viết, bạn sẽ chọn thể loại sách phù hợp hoặc liên quan đến chủ đề đó.
- Không cần đọc quá nhiều, chỉ cần chọn ra vài đầu sách bạn thật sự hứng thú và đọc và ghi chép lại những từ vựng hay, hoặc làm nổi bật câu mà bạn cảm thấy tâm đắc.
Trò chuyện
- Giao tiếp là hình thức lâu đời của loài người, cũng là hình thức làm gia tăng chất liệu khá hiệu quả cho người viết.
- Từ cô bán hàng nước vỉa hè, bác đạp xe xích lô đến chuyên gia trong một buổi tọa đàm, một người bán hàng.. đều có thể cung cấp cho chúng ta một kho từ vựng đa thể loại, phong phú và giàu cảm xúc.
- Khi giao tiếp với một người, hãy lắng nghe có chủ đích, để ý cách họ dùng từ, diễn đạt.
Ghi chép
Khi bạn thực hiện hành động ghi lại một điều gì đó, não của bạn khắc sâu điều này vào tầng trí nhớ dài hạn. Điều này có nghĩa là, nếu bạn đọc qua và không ghi chép lại, bạn chỉ nhớ trong vài ngày, thậm chí vài giờ.
Nếu muốn nhớ từ vựng lâu, có thể áp dụng từ hay vào bài viết một cách tự nhiên như hơi thở, cách hiệu quả nhất là ghi xuống và thực hành với từ vựng đó.
Một số cách ghi chép hiệu quả:
- Một quyển sổ tay nhỏ chép lại những từ đắc
- Sử dụng ứng dụng Note trên điện thoại
- Đặt câu có chứa từ vựng cần nhớ
- Thực hành viết một bài có chứa từ hay
Nguồn tài liệu giúp bạn gia tăng vốn từ:
-Từ điển Tiếng Việt của Gs. Hoàng Phê
-Sách Ngày ngày viết chữ
-Sách Từ câu sai đến câu hay của Tác giả Nguyễn Đức Dân
Thực hành:
- Một quyển sổ tay nhỏ chép lại những từ đắc
- Sử dụng ứng dụng Note trên điện thoại
- Đặt câu có chứa từ vựng cần nhớ
- Thực hành viết một bài có chứa từ hay