Writing and freelancing

Viết sách có giàu không?

Mình nhận ra bản thân có năng khiếu văn chương khi lên lớp 5 và suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, mình luôn có cơ hội được thể hiện khả năng này. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, khi mình bày tỏ muốn theo nghiệp viết lách thì không được ủng hộ từ gia đình…Vậy là mình tạm gác lại đam mê này để chọn một công việc khác ổn định hơn. Để rồi sau hơn 10 năm, mình quay về đúng với sứ mệnh của cuộc đời mình: trở thành một tác giả!

Câu hỏi đặt ra là viết sách có giàu không? Và trở thành tác giả thì ngoài viết sách ra thì còn có những nguồn thu nhập nào?

Tại các nước phát triển, một tác giả có cơ hội ký kết hợp đồng độc quyền với nhà xuất bản (NXB) nếu như tác phẩm của họ có tiếng vang lớn. Hoặc dù là tác phẩm đầu tay nhưng được NXB nhận định rằng bản thảo sách có tiềm năng bán chạy. Trường hợp này NXB sẽ trả lương cho họ theo tháng như một nhân viên chính thức hoặc trả thêm phần nhuận bút không cố định, dựa trên doanh thu bán sách của họ, trong một thời hạn nhất định (thường là trong 1 năm cho tác giả).

Điều này đã giúp các tác giả có được nguồn kinh phí ổn định trang trải cuộc sống và tập trung hoàn toàn cho việc viết lách. Thậm chí đối với những tác giả nổi tiếng, chỉ một cuốn sách được xuất bản, cũng đã kiếm đủ tiền để sinh sống trong rất nhiều năm. Các tác giả có tác phẩm bán ra hàng triệu bản trên toàn thế giới, trở thành hiện tượng “nhà văn vương giả” có thể kể đến:

  •  J.K. Rowling: tác giả của bộ truyện đình đám Harry Potter đã nổi danh trên toàn thế giới với hàng triệu bản sách được bán ra và khối tài sản khổng lồ. Năm 2006, tạp chí Forbes đánh giá bà là phụ nữ giàu thứ hai trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí, chỉ sau Oprah Winfrey.
  • Stephen King: nhắc đến nhà văn người Mỹ Stephen King là nhắc tới “nền văn hóa kinh dị” mà ông tạo ra qua các tác phẩm kinh điển của mình. Ông là tác giả của hoàng loạt truyện kinh dị, với hơn 30 tác phẩm với 350 triệu đầu sách được bán ra trên toàn thế giới và được chuyển thể thành phim.

Ở Việt Nam, thị trường xuất bản chưa thực sự phát triển thì cuộc sống của các tác giả khá bấp bênh. Nhưng không phải là không thể sống được, các tác giả thường kết hợp việc viết sách chung với những công việc liên quan tới viết lách khác để có thể ổn định cuộc sống, duy trì đam mê viết lách. 

Với mỗi tác phẩm của mình, các nhà văn, tác giả thường sẽ nhận được nhuận bút = 10-12% x giá bìa x số lượng bản in. Với các tác giả mới, thường số lượng sẽ là khoảng 2,000 cuốn in lần đầu. Những cây bút tên tuổi hơn có thể lên đến 4,000 đến 5,000 bản và con số 10 -12% có thể lên đến 15-20%.

Ở Việt Nam, số ít những nhà văn sống được bằng nghề là Nguyễn Nhật Ánh; cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, tái bản lần thứ 66, riêng năm 2018 đã đem về cho nhà văn hơn 4 tỷ đồng, Dương Thụy với cuốn “Oxford thương yêu”, tái bản 115,000 bản, năm 2018, Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm “Cánh đồng bất tận” tái bản 40 lần, đạt con số 158,247 bản.

Ngoài nhuận bút, tác giả còn nhận được những khoản thu nhập nào?

1. Tiền tác quyền chuyển thể sách thành phim

Ngày nay, việc chuyển thể phim dựa trên những tác phẩm, tiểu thuyết của các nhà văn lớn có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với độc giả và khán giả. Từ phim bộ đến phim điện ảnh, từ châu Á đến châu  Âu, việc phát triển song song của ngành giải trí nghệ thuật cũng mang đến cho những nhà văn một khoản tiền không nhỏ. Những bộ phim như “Cánh đồng bất tận”, “Quyên” chuyển thể từ sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thọ cũng rất ăn khách và nhận nhiều giải thưởng trong, ngoài nước. Điều này đã mang đến thêm một nguồn thu nhập khá cho các nhà văn từ tiền tác quyền.

2. Tiền Booking của các nhãn hàng 

Các nhãn hàng sẽ hợp tác truyền thông với các KOLs tùy theo sản phẩm và đối tượng khách hàng mà họ hướng tới. Các nhà văn, tác giả cũng là những KOLs được các nhãn hàng săn đón. Nhà văn Giao Giao Giao, Huyền Trang Bất Hối, Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Trạch với lượng fan và followers lớn, thường được các nhãn hàng mời hợp tác truyền thông. Hình thức hợp tác thường sẽ là bài viết kèm hình ảnh sản phẩm trên trang cá nhân hoặc fanpage. Số tiền booking sẽ tùy theo thỏa thuận giữa các KOLs và tác giả. 

Mình cũng từng nhận được một lời mời hợp tác truyền thông của một Brand cung cấp sản phẩm giáo dục. 

3. Tiền tham gia hội thảo, workshop online/ offline, sự kiện ra mắt sản phẩm

Một số tác giả, nhà văn được mời đến tham dự các buổi hội thảo, sự kiện ra mắt với vai trò khách mới. Tác giả có thể tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn, chia sẻ góc nhìn liên quan đến chủ đề hội thảo. Nhưng cũng có thể chỉ tham gia với vai trò đại sứ thương hiệu, khách mời đặc biệt, và chỉ cần hiện diện tại sự kiện.

Mức phí dao động tùy theo thỏa thuận của nhãn hàng và tác giả cũng như mức độ ảnh hưởng của tác giả. 

4.Tiền chắp bút cho các quyển sách cho người khác

Chắp bút là dịch vụ khá mới mẻ tại thị trường xuất bản ở Việt Nam. Trong khi nước ngoài, hình thức này gọi là “ghostwriting”, và người chắp bút được gọi là “ghostwriter”- nhà văn ma. Các ‘nhà văn ma’ sẽ viết lại câu chuyện, hành trình, trải nghiệm của khách hàng thành sách. Họ có thể được để tên dưới tên tác giả hoặc hoàn toàn ẩn danh.

Ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương có người chắp bút cho sách của mình là nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh có người chắp bút sách cho cô là nhà báo, biên kịch Trần Minh.

Số tiền chắp bút một quyển sách trung bình 200 trang là từ 60 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Mức phí này dao động tùy theo kỹ năng viết lách, đặt mình vào vị trí của khách hàng cũng như khả năng sử dụng câu từ của người viết.

Như vậy, ở thị trường Việt Nam hiện tại, viết sách có thể không giúp bạn trở nên giàu có nhưng hoàn toàn có thể sống đủ, thậm chí sống tốt nếu bạn biết biến sự nghiệp viết lách thành một sự nghiệp kinh doanh, một business. Tức là ngoài kỹ năng viết lách bạn cần biết xây dựng nhân hiệu, đóng gói các sản phẩm viết hoặc tạo ra các dịch vụ viết lách và bán chúng. 

You may also like...

Bài viết phổ biến

Leave a Reply

Your email address will not be published.