Một thói quen nên có của người viết là thu thập ý tưởng. Nếu bạn là người viết chuyên nghiệp, chắc hẳn việc tìm kiếm ý tưởng là yêu cầu bắt buộc của các thương hiệu. Nếu bạn là người sử dụng viết lách để làm content, xây dựng thương hiệu, bán hàng…thì ý tưởng cũng là phần không thể thiếu khi lên kế hoạch content.
Bài này mình sẽ gợi ý 4 cách để bạn brainstorm ra các ý tưởng.
Cách 1: Thu thập ý tưởng
Ý tưởng từ một cuốn sách. Ý tưởng từ các tạp chí. Ý tưởng từ một bài viết của ai đó trên mạng xã hội. Ý tưởng có thể cũng tới ngẫu nhiên khi bạn đang lái xe, đang tắm hoặc đang nằm thư giãn.
Hầu hết thời gian chúng ta nhận ý tưởng một cách thụ động và quên đi việc quan sát kỹ càng những gì xung quanh mình.
Đối với ý tưởng, không nhất thiết phải triển khai thành bài viết. Cứ nhét vào một chỗ, lúc nào bí ý tưởng thì mở ra và đọc. Nhớ là ghi chú lại xem mình có thể làm gì với ý tưởng này.
Cá nhân mình thường nảy ra ý tưởng khi làm một việc gì đó không liên quan đến viết. Mình đã có lúc ngồi thật lâu, cố gắng nhào nặng ra ý tưởng nào đó để triển khai thành một bài viết. Nhưng càng cố gắng nảy ra ý tưởng, bản thân mình càng thấy bế tắc và không tìm thấy ý tưởng nào hay ho để viết cả.
Mẹo của mình là cứ thả lỏng và làm những việc lặt vặt không tên như là tưới cây, ra vườn ngắm mấy nụ hồng chớm nở, nấu ăn, làm bánh cho con…thì ý tưởng lật “bật ra” một cách rất nhẹ nhàng và tuôn chảy. Lúc này mình sẽ lấy điện thoại ra để ghi âm lại hoặc note lại trong ứng dụng Note hoặc Keep Note.
Đối với các bài viết trên mạng xã hội mình sẽ lưu về để chế độ riêng tư. Khi nào bí ý tưởng mình sẽ vào mục lưu trữ và xem lại các bài viết này.
Sách là kho tàng ý tưởng quý báu với mình. Mình thường dùng giấy note hoặc bút chì ghi lại ý tưởng trong sách hoặc dùng bút sáp tô từ, cụm từ đắc, ý tưởng thú vị trong sách. Vì vậy mà sách của mình không sạch sẽ và trắng trơn đâu mà hầu hết các trang sẽ chi chít chữ. Đặc biệt là những quyển sách hay, giúp ích cho mình trong công việc và cuộc sống.
Cách 2: Xem Xét Đối Tượng
Mình thường hướng dẫn học viên học viết 1:1 với mình thế này:”Bất cứ bài viết nào mình chia sẻ cho người khác đọc đều là đang đối thoại với họ, kiểu như mình không ngồi trực diện mặt đối mặt để tâm tình cùng họ nên mình dùng văn bản để chia sẻ với họ. Lợi lạc ở đây là mình ko cần nói 1,000 lần với 1,000 người mà mình chỉ cần viết 1 lần thật chỉn chu và 1,000 người đó sẽ tìm ra mình để đọc nếu những gì mình chia sẻ đúng cái họ đang quan tâm”.
Vì lẽ đó, người viết cần tìm hiểu insight độc giả của mình.
Insight nói đơn giản là những nhu cầu, mong muốn, nỗi đau, vấn đề của người đọc. Nó được ví như phần chìm của tảng băng trôi và có khả năng tác động đến hành vi (bấm thích, chia sẻ…) cũng như quyết định mua hàng của người dùng.
Một ví dụ dễ hiểu nhất về insight là Chiến dịch “True beauty” của nhãn hàng DOVE.
Cách đây vài năm, DOVE đã tung ra chiến dịch tôn vinh vẻ đẹp làn da của phụ nữ. Nhãn hàng này đã thuê một họa sĩ vẽ chân dung của rất nhiều phụ nữ thông qua mô tả của chính bản thân họ.
Người họa sĩ và người được vẽ chân dung ngồi cách nhau một bức rèm và họ hoàn toàn chỉ nghe được giọng nói của người kia. Người họa sĩ vẽ lần lượt từng bộ phận trên gương mặt mỗi người phụ nữ thông qua lời miêu tả của chính họ và để các bức tranh sang một bên.
Sau đó, một người xa lạ lần lượt gặp từng người phụ nữ trực tiếp, ngắm nhìn họ trong một lát rồi vào phòng mô tả chân dung của từng người cho người họa sĩ vẽ lại một lần nữa.
Cuối cùng, tất cả những người phụ nữ đã được vẽ chân dung buổi hôm đó được mời vào phòng để nhìn ngắm 2 bức tranh. Một do chính họ miêu tả và được vẽ lại. Một do người xa lạ kia miêu tả và được họa sĩ vẽ lại. Kết quả là bức tranh thứ 2- qua miêu tả của người xa lạ-đẹp hơn bức tranh thứ 1 rất nhiều.
Kết luận của chiến dịch này nhằm kêu gọi sự tự tin của phụ nữ cùng với việc tôn vinh vẻ đẹp thật sự của họ. Họ có thể có nếp nhăn nơi khóe mắt, một chiếc mũi không cao và vài vết đồi mồi trên làn da lão hóa. Nhưng tất cả đều đẹp, đều xứng đáng để được nâng niu và trân trọng!
Sau chiến dịch này, DOVE bán được hàng chục triệu sản phẩm sữa dưỡng da trên toàn cầu!
Để nghiên cứu insight, trước tiên ta cần vẽ ra chân dung người dùng. Hiển nhiên, đó không phải là kiểu chân dung chung chung mà bạn phải phác thảo một cách cụ thể và chi tiết. Ví dụ:
Người A: Phụ nữ 20 – 25 tuổi, sống ở Hồ Chí Minh, mong muốn có làn da đẹp, cấp ẩm đầy đủ nhưng không muốn đến spa hoặc không có điều kiện tài chính để đến spa, có thu nhập trung bình từ 8 đến 12 triệu/ tháng.
Người B: Phụ nữ mong muốn chăm sóc làn da dịu nhẹ tại nhà.
Rõ ràng giữa hai người, thông tin từ người A cụ thể hơn, giúp chúng ta dễ dàng tìm ra các ý tưởng thu hút đúng đối tượng mục tiêu.
Vì vậy, chúng ta cần vẽ ra một chân dung chi tiết về quá trình suy nghĩ, động cơ và đặc điểm tính cách của người đọc/người dùng mục tiêu. Dưới đây là một số yếu tố cơ bản, giúp bạn xác định cách vẽ chân dung:
– Thông tin cá nhân: Độ tuổi, giới tính, nơi ở, tình trạng hôn nhân, học vấn…
– Công việc: Họ đang làm trong ngành nghề nào? Chức danh là gì?
– Mức thu nhập: Họ kiếm được trung bình bao nhiêu mỗi tháng?
– Trang web yêu thích: Họ thường dành phần lớn thời gian để online ở đâu? Họ thường online lúc nào? (Hai điều này sẽ cho chúng ta biết nên phân phối nội dung ở kênh nào và đăng vào thời điểm nào)
– Ước mơ, mong muốn: Họ đang mong cầu điều gì? (Tài chính rủng rỉnh, con cái học giỏi hay muốn thăng tiến trong sự nghiệp?)
– Nỗi sợ: Họ đang lo lắng, sợ hãi điều gì? Từ đó trả lời thêm câu hỏi “Bạn có thể giải quyết nỗi sợ ấy như thế nào?”
– Động lực mua hàng: Tại sao họ nên mua sản phẩm hoặc đọc bài viết của bạn? (Vì thấy bạn bè giới thiệu hoặc chia sẻ, vì họ đang tìm kiếm thông tin để đang cần mua hàng ngay, vì sự khan hiếm?)
– Băn khoăn khi mua hàng: Vì sao họ có khả năng không chọn mua sản phẩm hoặc đọc bài của bạn? (Vì giá quá cao so với thu nhập, vì bài viết quá dài mà họ không có thời gian đọc, vì bài không cung cấp đủ thông tin hoặc quảng cáo quá lộ liễu?)
Bạn không cần phải trả lời hết các câu hỏi trên, nhưng chúng sẽ giúp bạn vẽ ra một chân dung người đọc/người dùng toàn diện hơn.
Cách 3: Ý tưởng từ bình luận trên blog, bài viết của bạn trên mạng xã hội
Người dùng hay độc giả chính là “kho báu” để bạn tìm kiếm ý tưởng.
Hãy bắt đầu với việc đọc những lời bình luận trên blog/ bài viết trên mạng xã hội của bạn. Đây chính là cơ hội để bạn tương tác và giao tiếp với người dùng. Hãy đảm bảo những bình luận vào bài viết luôn được trả lời, đừng để người dùng cảm thấy họ bị “lờ” đi.
Những bình luận ấy có thể là tích cực, thậm chí tiêu cực hay đem đến góc nhìn khác, khía cạnh khác của vấn đề đi chăng nữa, đều có thể đem lại cảm hứng cho những ý tưởng cho các bài viết sau này của bạn.
Cách 4. Ý tưởng từ những người đang làm cùng lĩnh vực với bạn, kinh doanh sản phẩm/ dịch vụ giống bạn. Nếu là người viết thì đó là những cây viết giỏi.
Dù bạn đang làm trong lĩnh vực nào, chắc chắn cũng sẽ có những đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp.
Lấy ý tưởng từ bài viết của họ không phải là việc ăn cắp hay đạo văn mà cái chúng ta cần là những chủ đề để từ đó phát triển ra những ý tưởng mới. Hãy đọc blog của họ, bài viết trên trang cá nhân của họ. Sau đó, bạn hãy viết ra những chủ đề mà bạn chưa viết hoặc viết lại cùng chủ đề nhưng với góc nhìn khác, giọng điệu riêng của bạn.
Nếu đã thử các cách trên mà kho ý tưởng của bạn vẫn nghèo nàn, lèo tèo vài ý. Hãy thử:
30 ý tưởng bạn có thể triển khai thành bài viết
- Sản phẩm của bạn làm cho cuộc sống của người khác dễ dàng hơn bằng cách nào?
- Khách hàng yêu thích sản phẩm/ dịch vụ của bạn bởi vì?
- Điều bạn ước bản thân mình biết trước khi bắt đầu kinh doanh là gì?
- Sai lầm trong quá trình kinh doanh của bạn?
- Bạn đã bắt đầu kinh doanh sản phẩm dịch vụ hiện tại như thế nào?
- Những điều bạn học được từ… (hội nghị, sự kiện, chương trình, khóa học, quyển sách tâm đắc ?
- Câu chuyện khởi nghiệp của bạn có gì thú vị?
- Quy trình (sản xuất, bán hàng…) của bạn thế nào?
- Lịch sử doanh nghiệp/thương hiệu có gì đáng chú ý?
- Bạn đã làm gì tốt hơn những đối thủ khác ở điểm nào ?
- Tại sao khách hàng tiềm năng nên chú ý tới bạn?
- Những câu hỏi nào mà khách hàng thường hỏi bạn?
- Điều gì bạn chưa hài lòng với sản phẩm/dịch vụ của mình?
- Một số điều mà khách hàng cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của bạn?
- Tại sao mọi người lại mua sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Giá trị mà sản phẩm/ dịch vụ của bạn mang lại cho khách hàng?
- Chính sách đổi trả, hoàn tiền, bảo hành ra sao?
- Sản phẩm/ dịch vụ của bạn có đóng góp gì cho xã hội? Doanh nghiệp của bạn có hoạt động thiện nguyện không?
- Tầm nhìn, định hướng phát triển sản phẩm/ dịch vụ của bạn trong 3 năm tới? 5 năm tới?
- Tìm lại những bức thư hoặc thông điệp bạn từng viết cho khách hàng, điều nào được quan tâm nhiều nhất?
- Câu chuyện khách hàng trải nghiệm sản phẩm/ dịch vụ của bạn? Họ đã thay đổi như thế nào? Điều gì khiến họ gắn bó với sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Độ uy tín của sản phẩm (thành phần có những gì? Chất lượng được những cơ quan nào kiểm chứng? Đã được xuất khẩu? Công nhận, cấp chứng nhận bởi ai?
- Review những công cụ bạn đang sử dụng trong công việc?
- Bạn có những lời khuyên nào về năng suất, cân bằng công việc/cuộc sống, phát triển việc kinh doanh?
- Sách? Khóa học? Người hướng dẫn nào mà bạn yêu thích/ đã theo học/ giúp cho bạn thành công?
- Các nguyên tắc của bạn trong lĩnh vực của mình? Quan điểm của bạn trong kinh doanh? Những yếu tố nào giúp bạn giữ vững thương hiệu trong lòng khách hàng cho đến hiện tại?
- Giá trị cộng thêm mà bạn chia sẻ cho khách hàng là gì? (Ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng?)
- Khi nhắc đến bạn, mọi người thường nói điều gì?
- Khi nhắc đến sản phẩm/ dịch vụ của bạn, khách hàng sẽ nói điều gì?
- Khi nhắc đến tên thương hiệu của bạn, khách hàng sẽ nghĩ ngay đến điều gì?