Một trong những câu hỏi mà học viên khóa học viết 1:1 với mình thường hay hỏi là:” Chị ơi, em nên đợi cảm hứng đến rồi mới ngồi vào bàn viết hay là cứ viết đi rồi cảm hứng sẽ đến?”
Mình tin rằng bất cứ ai từng viết lách dù chuyên nghiệp hay không đều gặp thử thách này:
Lúc cảm hứng tới dồn dập thì viết tràn làn mấy trang A4, lúc thì chờ mãi không thấy cảm hứng đâu để viết. Dần dà, bản thân không muốn viết nữa!
Thời gian đầu mới viết lách, mình cũng từng như vậy!
Có những buổi sáng mình tràn đầy ý tưởng và cảm hứng viết nhưng rồi con khóc, con đòi bồng bế chẳng rảnh tay mà viết. Mãi đến lúc rảnh tay để viết thì chẳng còn cảm hứng nữa hoặc không nhớ ra ý tưởng nảy sinh sáng nay là gì.
Hoặc có những ngày mình vô cùng rảnh rang nhưng tâm trạng thì chán nản, không muốn viết dù lý trí mách bảo rằng mình phải làm theo kế hoạch viết bài đã lên sẵn từ trước.
Thế là một thời gian dài mình mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn ấy.
Cho đến khi mình tìm thấy phương châm này và áp dụng nó thì mình đã thành công trong việc rèn cho bản thân thói quen viết đều đặn hàng ngày.
Đó là “Fake it till you make it”!
“Fake it till you make it”’ nghĩa là gì?
“Fake it till you make it” là phương châm sống của nhiều người, đặc biệt là những người nổi tiếng ở các nước phương Tây. Phương châm này có nghĩa là: nếu mình muốn trở thành 1 người nào đó, mình hãy hành động/ cư xử giống như mình đã là người đó rồi, làm như thế đến khi mình thật sự trở thành người đó.
Cách này được cho là một quy trình ngược nhưng có hiệu quả hơn cách truyền thống là làm việc cật lực để đạt được đến một cái gì, rồi khi đạt đến cái đó mới cho phép bản thân cư xử ở vị trí đó.
Nói đơn giản, theo phương châm này, nếu mình muốn trở thành một người giàu có, thì việc ăn ngon mặc đẹp cũng là một nghệ thuật cần fake trước khi thực sự giàu có. Tin tưởng vào bản thân sống như thể điều đó đã trở thành hiện thực sẽ biến điều đó thành hiện thực.
Nguyên tắc hoạt động của “Fake it till you make it”’ là gì?
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả một nụ cười giả tạo cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và tích cực hơn. Ngôn ngữ cơ thể và hành động của chúng ta chắc chắn tác động đến tâm trạng của chúng ta và ngược lại. Tất cả chúng ta chắc chắn đã có những ngày không cảm thấy muốn làm điều gì đó và cuối cùng chúng ta có được cảm xúc vui vẻ, phấn khởi khi làm việc gì đó.
Ví dụ bạn mệt mỏi khi đến phòng tập nhưng vẫn kỷ luật bản thân lết đến phòng tập. Sau khi tập xong thì bạn tận hưởng cảm xúc vui vẻ do endorphin trong não tiết ra.
Nhưng hiện tượng này không chỉ liên quan đến cơ mặt của chúng ta. Cách chúng ta đi đứng, tư thế ngồi, nói năng cũng ảnh tạo ra hiệu ứng tương tự.
Cách đây hơn 4 năm, mình tham gia một khóa học diễn ra trong 3 ngày của 2 diễn giả là triệu phú tự thân của Singapore lúc đó. Thầy mình dạy là:
Cho dù bên trong bạn cảm thấy thế nào, bước vào phòng với vai cúi xuống, cúi đầu, giọng nói chậm và trầm sẽ không chỉ khiến bạn cảm thấy chán nản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến những người trong phòng.
Ngược lại nếu bạn bước vào cùng một phòng với vai và đầu ngẩng cao và nói: “hello” với nét mặt cố tỏ ra vui vẻ thì hành động này sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Những người trong phòng sẽ đáp lại bằng nét mặt vui vẻ và lan tỏa ngược lại năng lượng tươi vui cho bạn
Hành vi của bạn có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
“Fake it till you make it” là phương châm xây dựng sự tự tin bằng cách đảo ngược quy luật mà chúng ta thường hay làm. Thay vì “ DO→ HAVE→ BE” thì chúng ta làm theo cách ngược lại: “BE→DO→ HAVE”.
Phương châm này áp dụng với việc viết lách như thế nào?
Theo phương châm “fake it till you make it” cho phép chúng ta định danh bản thân và hành động trước, sau đó cảm xúc, cảm hứng và động lực theo sau. Cuối cùng là sự tự tin đến từ việc liên tục lặp đi lặp lại hành động nào đó cho đến khi chúng là một phần của con người chúng ta.
Nếu bạn định danh bản thân là một người viết chuyên nghiệp, hoặc bất cứ ai mà bạn muốn trở thành thì điều đầu tiên là bạn phải hành động, có những thói quen như họ trước đã.
Tức là thay vì chờ cảm hứng đến mới viết, hãy viết vào một khung giờ cố định, viết bất cứ thứ gì có trong đầu bạn hoặc bất kỳ ý tưởng nào bạn đã lưu giữ trước đó nhưng chưa triển khai thành 1 một bài viết được.
Đừng quá quan trọng viết được ít hay nhiều, viết thành một bài hoàn chỉnh hay không. Hãy cứ viết đã, để dòng chảy tuôn trào mà không cố gắng phán xét hay dừng lại chỉnh sửa ngữ pháp, lỗi chính tả. Cũng đừng kỳ vọng bản thân viết hay, có nhiều cảm xúc.
Viết trước, hàng ngày, đều đặn cho đến khi thành thói quen. Cảm hứng và ý tưởng sẽ đến sau!
Đây là cách mình đã làm và nhiều cây viết chuyên nghiệp khác đã làm.
Mình tin là nó sẽ hiệu quả với bạn!