Vài tuần trước mình đưa 2 con gái đi bơi. Bạn lớn thì đã biết bơi rồi, bạn nhỏ vẫn đeo phao nhưng bắt đầu thở nước được nên hào hứng lắm. Vừa quan sát con bơi vừa rảo mắt quanh hồ, mình chợt thấy hai người phụ nữ trung niên đang tập các động tác của môn bơi ếch.
Hai người phụ nữ dáng vẻ đã qua lục tuần, cơ thể và gương mặt đã hằn những dấu vết thời gian nhưng thần thái vẫn tươi vui và minh mẫn lắm. Hai người vịn tay vào dải phân cách của hồ, đeo phao và duỗi mình dài dưới mặt nước. Chốc chốc mệt, hai bà lại tựa lưng vào thành hồ trò chuyện một lúc, thi thoảng lại đưa mắt nhìn mấy học viên nhí khác đang tung quẩy ngụp lặn. Rồi không đợi giáo viên nhắc nhở, hai người cứ hít vào thở ra, đạp chân rồi lại sải tay giữa lũ trẻ đang lội bì bõm quanh mình.
Đều đặn sáng mỗi ngày hơn 7h30 mình đưa con đến bơi thì đã thấy hai bà cụ đã bắt đầu luyện tập rồi. Hình ảnh hai bà cụ chăm chỉ và bền bỉ học một kỹ năng mới ở tuổi “gần đất xa trời” nhắc mình nhớ đến khái niệm “ A lifelong learner”-người học trọn đời.
Collins Dictionary định nghĩa “lifelong learning” như sau:
“The provision or use of both formal and informal learning opportunities throughout people’s lives in order to foster the continuous development and improvement of the knowledge and skills needed for employment and personal fulfillment.”
(Tạm dịch: “Việc cung cấp hoặc sử dụng các cơ hội học tập cả chính thức và không chính thức trong suốt cuộc đời để thúc đẩy sự phát triển liên tục và nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc làm và hoàn thiện bản thân.”
Từ điển Cambridge định nghĩa là:
“The process of gaining knowledge and skills throughout your life, often to help you do your job properly.”
(Tạm dịch: “Quá trình thu thập kiến thức và kỹ năng trong suốt cuộc đời, thường để giúp bạn thực hiện công việc của mình một cách đúng đắn.”
“A lifelong learner” là người xem hành trình học tập là suốt đời. Trong những giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau, người học tự nguyện theo đuổi kiến thức, không chỉ ở trường, mà còn ở bất cứ nơi nào.

Lifelong learner chủ động nâng cao hiểu biết, kỹ năng để cải thiện chất lượng cuộc sống lẫn phát triển sự nghiệp. Hoặc có khi mục đích của họ chỉ là để bản thân không bị tụt hậu, trí não không bị ủ dột và cơ thể không bị “thui chột”. Duy trì việc học với họ là một cách để phát triển bản thân, nuôi dưỡng tinh thần thích nghi với sự biến đổi.
Ngày nay dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, một lifelong learner có thể chọn hình thức học tập phù hợp với mình với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú vượt qua rào cản địa lý, tuổi tác. Họ có thể học từ sách, các khóa học trực tuyến hoặc từ những người thầy giỏi hơn mình…Và quá trình này sẽ kéo dài đến suốt đời!
Tại sao cần phải trở thành một người học cả đời ?
Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Cách đây 10 năm, 20 năm nếu tốt nghiệp đại học thôi là bạn có thể kiếm cho mình một công việc có thu nhập trung bình đến khá thì hiện nay đại học vẫn chưa đủ. Các kỹ năng có thể kiếm tiền cách đây 3 năm, 5 năm giờ đây có khả năng đã lỗi thời.Nếu bạn muốn cạnh tranh được trong thị trường việc làm hiện nay và có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn thì bạn cần trở thành một người tự học.
Trở thành một người học cả đời không chỉ giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn khi đi làm mà nó là con đường thăng tiến nhanh nhất và bền vững nhất trong thời đại mọi thay đổi diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Không quá khó để liệt kê ra những người nổi tiếng trong rất nhiều lĩnh vực từ phát minh đến kinh doanh như Benjamin Franklin, Thomas Edison, Henry Ford…Họ đều là những người nổi tiếng với tinh thần tự học và học tập suốt đời.
Bạn sẽ giảm được khả năng bị đào thải
Bối cảnh của lực lượng lao động luôn thay đổi thì việc trở thành một người học hỏi suốt đời là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để tăng khả năng được tuyển dụng của mình.Trong một thế giới mà tự động hóa được dự đoán sẽ thay thế 50% việc làm, học tập suốt đời là điều cần thiết cũng là điều bắt buộc của bất cứ cá nhân nào.
Thử đặt mình vào vị trí của một nhà tuyển dụng, cá nhân nào luôn ưu tiên thời gian rảnh để học tập và nâng cao một kỹ năng luôn được đánh giá cao hơn những người luôn cho bản thân đã biết tuốt, biết đủ.
Não bộ của bạn sẽ khỏe mạnh hơn
“Anyone who stops learning is old, whether at 20 or 80.”- Henry Ford
Điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời đó là giữ cho tâm trí trẻ trung cho dù bạn ở tuổi bao nhiêu đi nữa. Thật lòng mình rất ngưỡng mộ những ông cụ, bà cụ đã 70,80 nhưng vẫn cắp sách đến trường. Trên thế giới vẫn có những cụ ông, cụ bà hơn 90 tuổi tốt nghiệp đại học để hoàn thành ước mơ dang dở thuở bé. Tuổi tác, sức khỏe chẳng còn là rào cản trước tinh thần ham học hỏi của họ.
Margie E. Lachman, nhà tâm lý học tại Đại học Brandeis- chuyên gia về lão hóa cho biết: ”Học tập là liều thuốc tiên có thể mang đến cho chúng ta một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh trong suốt tuổi trưởng thành và thậm chí là sống lâu hơn”. Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng một người già càng học tập nhiều – cho dù học ở trường hay học dưới bất cứ hình thức nào khác – thì họ càng làm các bài test về nhận thức tốt hơn những người cùng tuổi mà ít hoặc dừng học.”
Ngoài ra, việc duy trì tiếp nhận những thứ mới mẻ cũng giúp ngăn chặn chứng mất trí và Alzheimer. Một nghiên cứu chỉ ra những người già mà giữ cho ý thức của họ chủ động và tò mò về thế giới xung quanh thì có khả năng phát triển chứng mất trí và Alzheimer ít hơn 2,6 lần so với những người mà “bỏ hoang” tâm trí của họ.
Học tập suốt đời giúp chúng ta sống cuộc đời ý nghĩa hơn
Học tập giúp chúng ta xác định những gì chúng ta chưa hiểu rõ. Học tập giúp chúng ta đào sâu những khả năng tự nhiên của mình, phát triển những khả năng mới, mở mang đầu óc và khám phá những đam mê của mình. Tại sao chúng ta lại ở trên hành tinh này? Mục đích của chúng ta đến cuộc đời để làm gì?
Ngay cả khi chúng ta không thể tạo dựng sự nghiệp từ những gì mình học được thì những trải nghiệm lẫn cảm giác thỏa mãn khi khám phá ra một điều gì mới cũng làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và thú vị hơn.

Vậy làm thế nào để trở thành một người học suốt đời?
Có nhiều cách để duy trì việc học trở thành một hoạt động diễn ra suốt cuộc đời. Dưới đây là một vài gợi ý.
Thay đổi suy nghĩ của bạn về việc học.
Để trở thành một người học cả đời, việc đầu tiên là bạn cần thay đổi quan điểm cứng nhắc của mình về việc học. Không nhất thiết phải đến trường. Cũng không nhất thiết phải có thật nhiều tiền. Các cơ hội học hỏi ở khắp mọi nơi.
Đặt ra mục tiêu học tập
Mỗi năm, hãy đặt ra mục tiêu cho mình những kỹ năng và kiến thức mà bạn muốn đạt được.
Chẳng hạn như năm nay, tôi muốn hoàn thành 2 chứng chỉ liên quan đến tâm lý trẻ và xuất bản xong quyển sách đầu tay. Việc đặt ra cho bản thân các mục tiêu rõ ràng, cụ thể và đo lường được giúp não của chúng ta hình dung tốt hơn về những gì chúng ta phải làm. Ngoài ra, các mục tiêu cũng giúp cho chúng ta bước qua trì hoãn để hoàn thành.
Học cùng nhóm
Việc học là hoạt động của một cá nhân đơn lẻ nhưng học tập theo nhóm là một trong những phương pháp học tập hiệu quả được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Khi học từ “hai mình” trở lên, bạn có động lực để duy trì việc học, sáng tạo ra nhiều giải pháp hơn. Bằng cách học nhóm, bạn cũng sẽ nhận được những góp ý mang tính xây dựng mà bạn sẽ không bao giờ nhận được nếu học một mình.
Dạy cho người khác điều bạn học được.
Khi chúng ta dạy người khác một kiến thức, một kỹ năng mới, chúng ta cũng đang học hỏi bởi lẽ chúng ta muốn đảm bảo những gì mình dạy cho người khác chính xác hơn. Quá trình dạy là quá trình chúng ta một-lần-nữa ôn tập lại kiến thức của mình, “xào nấu” lại kỹ năng của mình sao cho thuần thục hơn. Khi người học phản hồi/ phản biện lại những điều chúng ta dạy, chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm lại những kiến thức, kỹ năng này đồng thời có thêm góc nhìn mới về lĩnh vực mình đang tìm hiểu.
Nói tóm lại, một người học cả đời sẽ rèn luyện để bản thân có những thói quen, tư duy sau:
Đọc sách mỗi ngày
Tham dự nhiều khóa học kỹ năng
Chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển
Chăm sóc bản thân tốt
Có nhiều hơn một đam mê
Xem trọng nỗ lực hơn kết quả/thành tích
Thử thách bản thân bằng các mục tiêu
Chấp nhận sự thay đổi
Tin tưởng không bao giờ là trễ để bắt đầu
Có thái độ tích cực
Luôn nắm lấy cơ hội rời khỏi vùng an toàn
Không bao giờ có khái niệm “ổn định”
Mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta sẽ ưu tiên vài khía cạnh trong tất cả các khía cạnh trên nhưng sẽ không bao giờ dừng lại. Hòn đá lăn thì không bám rêu. Một người học suốt đời thì không bao giờ lo sợ bản thân không có đất dụng võ.
“A lifelong learner is a lifelong winner”-African Philosopher.