1. Học cách nói không với những thứ không quan trọng
Tôi biết điều này nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng hãy tin tôi.
Nếu bạn muốn kiếm tiền từ việc viết lách tự do, trước tiên bạn phải đặt công việc này lên ưu tiên hàng đầu trong chuỗi công việc hàng ngày.
- Bạn sẽ thấy cám dỗ khắp nơi để tạm dừng, không viết 1 ngày.
- Bạn sẽ gặp những khách hàng “trời ơi đất hỡi”, keo kiệt, bủn xỉn, trả giá từng đồng cho chất xám bạn bỏ ra.
- Bạn cũng sẽ nhận vô số lời mời mọc từ những công việc khác để kiếm tiền nhanh hơn, kiềm nhiều tiền hơn và nhàn hạ hơn.
- Bạn cũng sẽ gặp sự phản hồi chẳng mấy tích cực từ gia đình, bạn bè…
- Và bạn cũng sẽ nghe thấy những tiếng nói nhỏ từ chính bản thân mình:” Thôi bỏ cuộc đi, nghề viết bèo lắm. Nghề viết chỉ kiếm bạc cắc…”
Đối với tôi, việc khó nhất khi trở thành người viết tự do là học cách nói không.
Hàng ngày, tôi lướt qua 7749 công việc kiếm tiền kiểu “mì ăn liền” trên mạng và từ bạn bè, cả những người tôi không quen biết.
Tư duy đầu tiên tôi rèn cho mình khi nghiêm túc với viết lách là học cách “nói không” với những ồn ã bên ngoài, với những thứ thật sự không quan trọng và không dành cho mình.

2. Học cách sống ổn định trong cái bất định.
Thời gian đầu khi bước chân vào nghề viết, bạn phải chấp nhận rằng bản thân luôn sẽ phải tìm kiếm các công việc viết lách tự do mới. Ở giai đoạn chưa có nhiều người biết đến bạn cũng như kỹ năng viết cần phải cải thiện, bạn sẽ phải sống trong trạng thái bất định về thu nhập lẫn công việc.
Việc có những tháng nhiều job và có những tháng chẳng kiếm nổi một job nào; việc có những tháng rủng rỉnh tiền bạc và có những tháng sống bằng tiền tiết kiệm, là điều bình thường.
Tôi đã duy trì được một vài khách hàng đặt tôi viết đều đặn hàng tháng, trong suốt gần 1 năm, với thu nhập 10 đến 15 triệu/ tháng. Và sau đó tất cả các khách hàng này chuyển sang làm nội dung bằng video và cắt toàn bộ dịch vụ viết bài bằng chữ. Cùng lúc này khủng hoảng kinh tế sau dịch diễn ra và tôi cũng không có doanh thu từ việc dạy viết. Và thế là khiến tôi “thất nghiệp”!
Mặc dù cảm thấy buồn khi mất đi khách hàng lý tưởng của mình nhưng tôi không hề nao núng vì đã rèn cho bản thân thói quen sống trong cái “bất định” khi trở thành một freelancer!
3. Đừng lãng phí thời gian vào những job viết lách trả thấp
Khi tôi bắt đầu viết lách tự do, tôi đã nhận bất kỳ công việc viết lách nào.
Tôi đã viết 1 bài chăm sóc fanpage với giá 50 ngàn vnđ.
Tôi đã viết nhiều chủ đề khác nhau từ dinh dưỡng, sức khỏe, yoga, tâm lý trẻ, giáo dục sớm…
Nhưng, một điều quan trọng tôi nhanh chóng nhận ra là làm thế nào để tăng giá từ 50 ngàn vnđ một bài đăng trở thành 200 ngàn vnđ một bài và lên đến 500 ngàn vnđ và hơn thế nữa.
Vấn đề với những hợp đồng viết lách được trả lương thấp là chúng khiến bạn kiệt sức nhanh chóng.
Khi bạn đã kiệt sức, bạn chẳng còn thời gian lẫn công sức để cải thiện kỹ năng viết, học để viết các thể loại khó hơn cũng như chẳng thể đảm bảo nhu cầu sống cơ bản.
Nhiều người hướng dẫn viết vẫn nói rằng bạn nên nhận bất kỳ công việc viết lách nào tìm được trên các chợ viết lách tự do, để tích lũy kinh nghiệm và làm đẹp hồ sơ xin việc của bạn. Tuy nhiên, khi đã có kinh nghiệm rồi, bạn nên nâng giá viết bài của mình lên, đồng thời liên tục trau dồi và cải thiện kỹ năng viết của bạn.
4. Đừng đợi công việc có trả phí mới viết. Hãy biến viết lách thành thói quen.
Viết là kỹ năng cần rèn luyện và hoàn thiện theo thời gian. Để viết tốt hơn, không có cách nào hiệu quả hơn viết hàng ngày. Nhiều cây viết thường chỉ đọc sách, làm các công việc không liên quan và chờ cho đến khi tìm được công việc viết lách có trả phí mới viết.
Đây là thói quen chưa tốt.
Khi bạn viết, tư duy viết của bạn cũng được rèn giũa. Não của bạn sẽ liên kết các nơ ron thần kinh ngôn ngữ để giúp bạn thành thục trong việc chọn từ, sắp xếp câu, sáng tạo các ý tưởng.
Song song với việc viết cho khách hàng, tôi viết blog và viết cho cộng đồng độc giả của tôi miễn phí. Thời gian bí ý tưởng để viết cho khách hàng, tôi đọc sách và viết về chủ đề làm cha mẹ và phát triển bản thân, như một cách để “giải tỏa căng thẳng” khi viết theo yêu cầu của người khác.
“Hòn đá lăn là hòn đá không bám rêu. Người viết thành công là người viết hàng ngày.”

5. Đa dạng hóa thu nhập của bạn
Nhiều cây viết tự do – bao gồm cả tôi – đa dạng hóa thu nhập của họ.
Nếu bạn muốn biết ngoài viết theo yêu cầu và được trả phí ra, người viết có thể tạo ra thu nhập nào?
Đối với tôi là dạy viết, bán sách tôi viết và sách người khác viết, cộng tác với các báo, viết sách dạng chấp bút…
Các cây viết khác mà tôi biết có thể tạo ra thu nhập từ các công việc viết lách khác như:
- Tạo bản tin (newsletter) và thu phí từ người đăng ký bản tin qua email
- Tạo các khóa học viết dựng sẵn và bán trên nền tảng của họ (blog)
- Tư vấn các chiến lược nội dung
- Tiếp thị liên kết từ các sản phẩm công nghệ
- Nhận hoa hồng từ viết bài review, bài giới thiệu sản phẩm
[…]
Khi khách hàng không thuê tôi viết vào những tháng thấp điểm, tôi bán sách và vẫn có nguồn thu nhập thụ động từ đó. Tương tự với những cây viết khác, họ vẫn có hơn 2 nguồn thu nhập từ viết lách. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra một nguồn thu nhập (thụ động hoặc chủ động) khác từ viết lách.
“Không bỏ tất cả trứng vào một rổ” là phương châm của tôi khi làm người viết tự do.
6. Đa dạng hóa dịch vụ của bạn
Một tư duy khác tôi thường tư vấn cho các bạn học viên học viết 1:1 với mình là nên có ít nhất 2 dịch vụ nếu làm người viết tự do.
Tôi đã có một trải nghiệm thế này. Tôi đang tìm một cây viết cộng tác với mình đề tài phát triển bản thân và tôi truy cập vào trang web của cây viết này và thấy bạn ấy cung cấp dịch vụ set up blog và tôi nhận ra mình cũng đang cần dịch vụ đó.
Và khi tôi liên hệ với bạn ấy để hỏi phí viết bài và phí dịch vụ set up blog, tôi đã được cung cấp một dịch vụ trọn gói với giá ưu đãi nếu tôi sử dụng cả 2 dịch vụ cùng lúc hoặc giảm giá cho dịch vụ còn lại.
Tôi đánh giá rất cao cách bạn này đa dạng hóa dịch vụ của mình. Blog của bạn ấy rất chỉn chu, đẹp và phù hợp với gu thẩm mĩ của tôi.
Hãy nghĩ tôi là khách hàng tiềm năng của bạn. Ban đầu tôi không hề có ý định mua dịch vụ setup blog của bạn ấy. Nhưng bạn ấy đã khơi gợi nhu cầu chưa có của tôi bằng cách cho tôi thấy những dịch vụ bạn ấy sẵn có với mức ưu đãi về phí thế nào.
Kết quả là, thay vì chỉ bán được dịch vụ viết bài, bạn ấy bán thêm được dịch vụ setup blog.
Tôi đã đọc một mẩu chuyện về cách bán hàng rất thú vị của một cửa hàng bánh mì khá nổi tiếng. Mỗi ngày họ đều giảm giá 50% một loại bánh mì hoặc tặng miễn phí có giới hạn số lượng một loại bánh.
Khách hàng ngày nào cũng nườm nượp vì họ muốn mua bánh ngon, được giảm giá hoặc nhận bánh miễn phí. Nhưng khách hàng thường không chỉ mua 1 loại bánh khi vào một cửa hàng có trăm loại bánh. Họ đã dừng lại ở những quầy của các loại bánh khác và bỏ vào giỏ.
Và thế là cửa hàng chưa bao giờ vắng khách dù chỉ một ngày. Họ cũng bán được các loại bánh khác nhờ mẹo kinh doanh này.

7. Chọn 1 đến 2 ngách và viết sâu về nó
Tôi biết phần lớn những người viết lách tự do, đấu tranh với điều này nhiều nhất.
Thật khó để chọn một thị trường ngách và chạy theo nó mà không quan tâm đến độc giả của mình có đón nhận không hoặc có nhu cầu về chủ đề này không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn sai thị trường ngách?
Nhiều người hướng dẫn viết khuyên bạn nên viết một chủ đề bạn đã có kinh nghiệm hoặc hiểu sâu về nó hoặc chủ đề mà bạn yêu thích.
Nhưng viết về chủ đề bản thân có kinh nghiệm nhưng không yêu thích thì sao?
Hoặc thị trường đang trả cao về một ngách mà bạn chưa có kinh nghiệm nhưng lại rất muốn học và tìm hiểu về nó?
Lời khuyên của tôi là chọn 1 chủ đề bạn có kinh nghiệm và một chủ đề bạn yêu thích nhưng chưa có kinh nghiệm nhưng muốn tìm hiểu về nó.
Còn nếu bạn chưa có kinh nghiệm hay trải nghiệm gì thì chọn một chủ đề mà bạn muốn tìm hiểu về nó. Chủ đề mà bạn:
- Cảm thấy không chán và mệt mỏi khi đọc hàng tá tài liệu về nó
- Cảm thấy dù không được nhiều tương tác của độc giả nhưng bạn vẫn muốn đăng
- Cảm thấy thỏa mãn/ hài lòng khi hoàn thành bài viết về chủ đề đó.
Một cây viết thành công chia sẻ rằng: “Nghề chọn họ chứ họ không chọn nghề.” Ban đầu họ làm chỉ vì kiếm sống nhưng càng làm thì càng đam mê và kiếm được nhiều tiền hơn.
Với những cây viết “có chiều sâu tâm hồn” mà tôi theo dõi, họ đều bắt đầu viết cho bản thân, viết chủ đề mà họ yêu thích trước. Theo thời gian họ có cộng đồng độc giả và bắt đầu kiếm tiền từ nghề viết. Họ là những đại thụ mà tôi rất ngưỡng mộ. Và họ sẽ càng tiến xa hơn nữa.
Cá nhân tôi nghĩ, viết lách là công việc của ý tưởng và sáng tạo. Và không có cái khuôn cho sự sáng tạo. Nếu không quá bận tâm với cơm áo gạo tiền, hãy bắt đầu với ngách mà bạn yêu thích, tò mò, say mê, hứng thú nhất. Có như vậy bạn mới có động lực để đi chặng đường dài!
Thêm vào đó, viết sâu về 1 đến 2 chủ đề tăng độ uy tín của bạn hơn trong lòng khách hàng. Suy cho cùng, ở tâm thế của khách hàng, ai cũng muốn chọn chuyên gia, chứ không ai muốn chọn một cây viết đa lĩnh vực nhưng không sâu sát một lĩnh vực nào.
8. Không bao giờ từ bỏ
Bạn có biết rằng hầu hết các cây viết tự do đều bỏ cuộc sau một đến hai năm đầu tiên cố gắng?
Vì sao vậy?
Lý do lớn nhất là họ chưa tìm được khách hàng lý tưởng của mình hoặc không chọn được một công việc viết lách tự do được trả đều đặn.
Với một người viết, đặc biệt là người viết tự do, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn và tiếp tục cam kết với công việc này.
Thêm nữa, bạn cũng cần trang bị tư duy lẫn kỹ năng để biến công việc này thành một sự nghiệp-một business mà ông chủ là bạn, nhân viên cũng là bạn.
Điều này có nghĩa là gì?
- Là học kỹ năng viết cơ bản đến nâng cao
- Là học tư duy và kỹ năng quản lý dòng tiền
- Là học kỹ năng bán hàng, đàm phán giá với khách hàng
- Là học kỹ năng quản lý thời gian và cân bằng cuộc sống
[…]
Nghe nản quá phải không?
Nếu không thì bạn sẽ nằm trong tỷ lệ rất lớn số người viết tự do bỏ cuộc sau mỗi năm!
Các bạn học viên đăng ký khóa học viết 1:1 với tôi, đều được trang bị tư duy và kiến thức để sống tốt với nghề cũng như tìm ra một động lực để họ theo đuổi công việc này.
Điều này giúp họ tin tưởng vào bản thân và tạo cho họ lý do đủ lớn để họ nỗ lực, giúp họ không bao giờ bỏ cuộc.
Người viết thành công không quan trọng họ kiếm được bao tiền. Mà là người không bao giờ bỏ cuộc.