Writing and freelancing

Mẹo xây dựng thói quen viết hàng ngày (áp dụng được ngay)

Để xây dựng sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp, điều cơ bản nhất là bạn phải hình thành thói quen viết đều đặn, thậm chí là hàng ngày. Vì sao vậy?

  • Viết theo thói quen giúp bạn liên tục suy nghĩ và sáng tạo để tìm ra cách thức để sử dụng câu, từ, sắp xếp các ý và tiến bộ trong các bài viết của mình.
  • Viết theo thói quen giúp bạn có quán tính viết mà không cần sự đốc thúc của ai. Viết cũng giống như mọi kỹ năng khác, một vài ngày không luyện tập sẽ khiến “tính ì” của bạn tăng lên. Qua một vài tuần không luyện tập, bạn sẽ không còn động lực hay cảm ứng để viết nữa.

Bài này mình sẽ chia sẻ một vài cách thức xây dựng thói quen viết hàng ngày.

1. Xây dựng thói quen đọc sách trước tiên

“Nếu bạn muốn trở thành một nhà văn, bạn phải làm được hai điều trên tất cả những điều khác: đọc nhiều và viết nhiều. Không có cách nào xung quanh hai điều này mà tôi biết, không có con đường tắt nào cả. “- Stephen King.

Stephen King là nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng rất được tán thưởng khắp thế giới. Ông đọc hơn 80 cuốn sách mỗi năm và là một người viết đều đặn hơn ai hết. 

Trong các khóa học viết 1:1 với mình, điều đầu tiên mình yêu cầu các bạn học viên là đọc chứ không phải viết ngay lập tực. Đọc sách bất kỳ thể loại nào bạn yêu thích và ghi chú lại từ hay, cách dùng từ đắt trong sách bạn đọc. Đọc sách giúp cải thiện vốn từ và khả năng sáng tạo của bạn. Một trong những khó khăn của người viết mà mình nhận thấy là nghèo nàn từ vựng, vốn từ quá ít và chưa biết cách dùng từ đúng ngữ cảnh nên câu tối nghĩa hoặc không thể diễn đạt đến ý tưởng của mình thành câu chữ. 

Từ là chất liệu cấu thành câu. Hãy trở thành một người đọc chăm chỉ trước khi trở thành một người viết chuyên hay không chuyên.

2. Thiết lập không gian và thời gian viết

Nếu tìm cho mình không gian và khoảng thời gian phù hợp, bạn sẽ viết được nhiều hơn. Để thiết lập được không gian và thời gian cố định hàng ngày luyện viết bạn cần tìm ra khoảng thời gian yên tĩnh và tập trung nhất như sáng sớm hoặc tối muộn. Không gian viết có thể là căn phòng nhỏ của bạn, một góc trong phòng khách, nơi có một chiếc bàn vừa đủ để bạn có thể viết hoặc đánh máy trên một mặt phẳng vững chãi. 

Nếu bạn chưa tìm ra khoảng thời gian viết năng lượng nhất, viết được nhiều nhất, bạn có thể thử nghiệm viết trong những khung thời gian khác nhau và quan sát cảm giác bản thân, số chữ bạn viết được nhiều hay ít…vào khoảng thời gian đó. Sau đó, cố định nó thành khoảng thời gian chỉ dành cho việc viết lách của bạn.

Thời gian đầu khi mới tập viết, bạn không cần phải ngồi liên tục trong vài giờ để “rặn chữ”! Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với 10 phút, đặt đồng hồ bấm giờ và viết tự do. Tức là ngồi yên lặng trong 10 phút viết ra tất cả những suy nghĩ trong đầu bạn lúc đó, không dừng lại sửa chính tả, bỏ dấu câu. 

Sau đó, bạn tăng dần thời gian từ 10 phút lên 20 phút, 30 phút và 40 phút. Cứ như vậy bạn sẽ rèn bản thân vào việc viết lách dễ dàng hơn.

3. Gắn thói quen viết với một thói quen đã có sẵn của bạn

Trong cuốn sách “Những thói quen nguyên tử” của tác giả James Clear, đã chỉ ra cách hình thành một thói quen mới rất hiệu quả. Mình đã áp dụng và hình thành được nhiều thói quen, bao gồm cả việc viết hàng ngày. Đó chính là “gắn thói quen mới ngay sau thói quen cũ” và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

“Sau khi tôi chạy xe từ chỗ làm về, tôi sẽ thay bộ đồ thể dục và đi bộ trong vòng 10 phút.”

“Sau khi đánh răng buổi tối xong, tôi sẽ ghi nhật ký”

“Sau khi tôi đưa con đến người trông trẻ, tôi sẽ ghé vào phòng tập lớp yoga”

Để thực hiện phương pháp này bạn chỉ cần tìm ra một thói quen bạn đã làm trong thời gian dài và sau đó gắn nó với một thói quen mới.

Một số người nói rằng cần khoảng 21 ngày để hình thành một thói quen, trong khi một số khác lại cho rằng nó tốn khoảng 66 ngày. Sự thật là độ dài thời gian ấy thay đổi từ người này sang người khác và từ thói quen này đến thói quen khác. Bạn sẽ nhận ra rằng một vài thói quen sẽ dễ dàng hình thành, trong khi những cái còn lại đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Lời khuyên của tôi là hãy cam kết với một thói quen cụ thể trong vòng 30 ngày.

4. Tìm người đồng hành

Có một người bạn đồng hành mang đến cho bạn lợi ích đáng kể trong việc hoàn thành một thói quen mới, một kỹ năng như học một ngoại ngữ, tập thể dục mỗi sáng và viết lách nữa!

Các cộng đồng viết lách ra đời cũng vì lý do này. Người mới bắt đầu viết cảm thấy cô đơn và dễ bỏ cuộc khi không có người đồng hành. Do đó, một trong những cách để bạn “bền gan bền chí” trong hành trình viết lách là tìm một cộng đồng phù hợp-nơi có những người đang hình thành thói quen viết như bạn. Ngoài ra bạn có thể học tập kinh nghiệm của những cây viết đã có thành tựu hoặc đã viết lâu năm khi tham gia những cộng đồng viết lách.

You may also like...

Bài viết phổ biến

Leave a Reply

Your email address will not be published.