“Em muốn trở thành người viết nhưng không biết bắt đầu từ đâu!”
Đây là tin nhắn mình nhận được nhiều nhất trên messenger khi đã trở thành một người hướng dẫn viết và có được vài nghìn người theo dõi trên mạng xã hội.
Rất nhiều người muốn trở thành người viết chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Một số muốn trở thành một người viết, chia sẻ chủ đề mà họ quan tâm, đã có kinh nghiệm và xây dựng cộng đồng độc giả của riêng mình. Họ không định hướng kiếm tiền từ viết lách. Nhưng một số khác thì muốn trở thành người viết chuyên nghiệp.
Dù mong muốn của bạn là gì, mình đều muốn đưa ra cho bạn một quy trình chung khi trở thành người viết. Quy trình này gồm 8 bước.
Bước 1: Vì sao bạn viết và muốn trở thành người viết?
Viết lách với mình ngoài là đam mê ra, nó còn là một công việc phù hợp với mình ở hiện tại và có thể trong tương lai nữa. Mình thường hình dung bản thân sẽ thức dậy vào sáng sớm, ngồi vào bàn và bật chiếc laptop lên và viết. Bên cạnh quyển sổ tay thân thiết là tách cà phê nóng, mình vừa nhâm nhi một ngụm vừa hít mùi cà phê thơm lừng, hòa quyện mùi hoa hồng cổ thoang thoảng trong nắng sớm ngoài vườn. Những năm tháng sau này mình vẫn ước ao như thế, có thể vùi mình trong chiếc chăn ấm, vào những ngày giá lạnh, đọc một quyển sách yêu thích và viết tản mạn đôi dòng.
Mỗi người sẽ những lý do của riêng mình. Nếu đã nghĩ đến việc trở thành người viết, hãy dành thời gian để suy ngẫm xem lý do bạn viết và động lực để bạn trở thành một người viết.
Không có lý do và mục đích cụ thể sẽ chẳng dẫn bạn đi đến đâu. Có lẽ, đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người cho rằng mình muốn viết nhưng lý do không đủ lớn, họ sẽ cảm thấy chán nản và bỏ cuộc sau một thời gian luyện tập.
Nếu bạn đơn giản muốn viết vì sở thích thì bạn chỉ cần viết thôi. Bạn có thể lập một blog nhỏ hoặc viết rồi đăng bài trên Facebook cá nhân hoặc chia sẻ bài viết vào các cộng đồng nơi có những độc giả quan tâm chủ đề bạn viết.
Nếu muốn kiếm tiền, bạn sẽ cần tích lũy nhiều kiến thức và kỹ năng hơn một người viết vì sở thích.. Bạn sẽ phải học các cách viết cho mỗi thể loại khác nhau và chủ động tìm kiếm công việc viết có trả phí. Quy trình trở thành một người viết kiếm sống mình đã chia sẻ ở đây.
Bước 2: Gọi bản thân là người viết.
Một trong những bài học quý giá mình học từ một chuyên gia nhân hiệu cũng là người thầy mình rất quý mến là định danh bản thân trong vai trò mới.
Nếu bạn muốn trở thành một diễn giả, hãy gọi bản thân là diễn giả trước và giới thiệu mình với vai trò diễn giả ở những nơi bạn xuất hiện.
Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia tâm lý, hãy ký tên kèm định danh này dưới mỗi bài viết bạn chia sẻ.
Nếu bạn muốn trở thành một người viết, hãy gọi mình là người viết và ký tên dưới mỗi bài viết của bạn.
Đây là một cách ám thị giúp bạn khắc sâu vào não bộ về hình ảnh con người bạn muốn trở thành. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi ai đó có định danh cho bản thân thì họ sẽ hành động tương ứng với định danh đó.
Định nghĩa bản thân là người viết sẽ giúp bạn hành động như người viết. Bạn sẽ không suy nghĩ giống như mình chỉ viết chơi chơi, viết cho vui để rồi nay thích mai bỏ. Là người viết, bạn sẽ viết đều đặn hơn, chăm chỉ hơn. Không chỉ vậy, bạn còn biết tìm cách để phát triển tư duy viết lách và trở thành người viết tốt hơn.
Đừng ngần ngại gọi mình là người viết và nói cho cả thế giới biết bạn là người viết.
Bước 3: Tạo blog cá nhân
Sau khi hoàn thành khóa học viết 1:1 với mình, hầu hết 7/10 học viên đã hỏi mình “Lập blog có thực sự cần thiết không?”
Mình trả lời rằng: “Rất cần thiết !”
Nhiều người viết đã lập blog và viết được một vài bài rồi đâm ra chán nản và bỏ cuộc sau đó. Họ cho rằng blog thật vô ích vì không ai vào đọc những bài viết của mình cả!”
Mình nói: “Đúng nhưng chưa đủ!
Bạn sẽ cần một nơi để lưu trữ tất cả bài viết của mình, cho bản thân bạn và cho cộng đồng độc giả của bạn. Và điều này cần sự kiên trì trong thời gian dài. Không ai xây dựng được cộng đồng độc giả sau một đêm. Viết và lưu trữ bài viết trên mạng xã hội cũng được nhưng điều gì xảy ra khi bạn bị hack tài khoản hoặc bị xóa tài khoản? Thay vì chơi trên sân của người khác lập ra, tại sao bạn không chơi trên sân của mình?
Đặc biệt, blog còn có chức năng như một bản CV chuyên nghiệp trực tuyến, giúp bạn tiếp cận thêm nhiều công việc chất lượng cao trong tương lai nếu bạn muốn viết lách kiếm tiền.
Với người mới bắt đầu viết, chỉ cần tạo blog trên các nền tảng miễn phí như WordPress.com hay Wix.com là đủ.
Bước 4: Viết nhiều hơn. Viết mỗi ngày
Một người viết mà ngừng viết thì không phải là người viết nữa rồi. Viết đều đặn hơn, nhiều hơn là công việc mà mỗi người viết sẽ làm. Nếu không thực hành, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng trì trệ, thiếu cảm hứng và nhanh chóng bỏ cuộc.
Do đó, hãy biến viết lách thành thói quen, cải thiện mẹo viết nhanh, viết hiệu quả, viết tập trung hơn và nhiều hơn trong một khoảng thời gian nhất định.
Mình có chia sẻ cách thức biến viết thành thói quen không thể thiếu ở đây.
Bước 5: Chia sẻ. Nhận phản hồi. Cải thiện.
Bạn sẽ không thể biết những gì mình viết ra có hiệu quả hay không cho đến khi chia sẻ cho người khác. Vì vậy, hãy chia sẻ bài viết trên mạng xã hội hoặc tham gia vào các hội nhóm viết để nhận phản hồi từ bạn bè, người đọc.
Rất có thể, bạn sẽ nhận được những phản hồi chưa tốt về bài viết, đó là chuyện bình thường. Có người đồng quan điểm, thích giọng văn, phong cách viết của bạn. Có người không! Quan trọng là bạn học hỏi được từ những điều đó.
Bước 6: Kết nối với những người viết khác
Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trên hành trình của mình. Nếu đi một mình, bạn dễ dàng đầu hàng trước cảm xúc tiêu cực, thói quen không tốt như trì hoãn, đợi cảm hứng đến mới viết… Nhưng nếu đi cùng với những người khác, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vững tin hơn vào bản thân và tiếp tục công việc của mình. Kết nối và xây dựng mối quan hệ cùng giúp các bạn học hỏi lẫn nhau cả về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kỹ năng viết.
Bước 7: Đăng ký khóa học viết.
Nếu thấy cần thiết, bạn cũng có thể đăng ký một khóa học viết để cải thiện kỹ năng của bản thân. Học hỏi từ những người có kinh nghiệm và chia sẻ những giá trị phù hợp với bạn sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm bắt các kiến thức cần thiết mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, phân loại và lựa chọn thông tin. Đây là một khoản đầu tư thông minh giúp tiết kiệm thời gian và công sức của bạn. Bạn có thể đăng ký khóa học viết với mình tại đây.
Bước 8: Kiên trì. Kiên trì. Kiên trì
Trở thành người viết không đơn giản chỉ là bắt đầu viết mà còn là tiếp tục viết đều đặn, mỗi ngày. Sẽ có những lúc bạn bí ý tưởng, không biết phải viết gì. Sẽ có khoảnh khắc bạn trì hoãn, bỏ bê việc viết. Mình đã có những lúc rơi vào trạng thái như vậy. Không sao cả! Đó là tình trạng của rất nhiều cây viết, kể cả những cây viết lâu năm.
Những lúc như vậy mình thừa nhận cảm xúc của bản thân và đón nhận mà không cố gắng chống lại nó. Ai rồi cũng có lúc chán công việc đang làm dù trước đó nhiệt huyết thế nào! Mình cho phép bản thân nghỉ vài ngày, ra ngoài hít thở không khí, đi dạo, trò chuyện với những người viết khác. Hoặc đơn giản là xem một bộ phim, ra quán cà phê yêu thích và ngắm cảnh phố phường…bất cứ điều gì mà mình cảm thấy được an yên, thoải mái và thả lỏng…tạm thời quên đi những ý tưởng.
Vậy mà, sau những ngày như thế mình lại tràn trề ý tưởng và cảm hứng viết. Mình lại tiếp tục viết và không bỏ cuộc. Mình vẫn tin rằng hành trình này là lâu dài và sẽ có những đoạn gập ghềnh, những đoạn dốc như leo núi và nhiệm vụ của chúng ta là đi chậm lại, nghỉ ngơi hoặc dừng lại nghỉ mệt rồi đi tiếp.
Không bao giờ là quá muộn để trở thành người viết. Kể cả khi đã 30, 40, 50, 60, 70 tuổi đi nữa. Thời điểm tuyệt vời nhất có thể là 5 năm trước, 10 năm trước. Nhưng thời điểm tuyệt vời thứ hai chính là hôm nay.