Blog

Viết để chữa lành

Ai trong chúng ta cũng trải qua những thời điểm khó khăn, cô đơn và không biết phải trò chuyện cùng ai. Nếu là người hướng nội, một trong những cách giải tỏa cảm xúc rất tốt là viết nhật ký (Journaling).

Khi viết ra câu chuyện của mình, những cảm xúc tiêu cực, mình nhẹ nhõm hơn. Cảm giác gánh nặng trong lòng vơi đi, tâm trí ít bận rộn với những suy nghĩ và ngủ ngon hơn. Viết là liệu pháp giải tỏa cảm xúc hiệu quả cho những người hướng nội như mình. Liệu pháp này đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu từ nhiều năm và có hẳn một chương trình trị liệu trong suốt 20 năm. 

Pennebaker, giáo sư khoa Tâm lý học tại trường Đại học Texas, Austin và tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có: Mở Rộng Lòng (Opening Up) và Viết để Chữa lành: Hướng dẫn Phục hồi từ Tổn thương tâm lý và chấn thương tinh thần (Writing to Heal: A Guided Journal for Recovering from Trauma and Emotional Upheaval) là một người tiên phong trong nghiên cứu sử dụng việc viết bộc lộ cảm xúc để chữa lành. 

Nghiên cứu của giáo sư Pennebaker cho thấy việc viết tập trung trong thời gian ngắn có thể có tác dụng tốt với tất cả mọi người, từ những người đang phải đối phó với bệnh hiểm nghèo cho đến nạn nhân tội ác bạo lực cho đến các sinh viên mới vào trường đại học. Trong đó có cả mẹ sau sinh, mẹ ở nhà chăm sóc con nhỏ và bất kể ai cảm thấy viết để giải tỏa tốt hơn là nói.

Vì sao viết lại có thể chữa lành?

Giáo sư Pennebaker chỉ ra rằng việc thú tội hay nói về chấn thương tinh thần là một phần của quá trình chữa lành trong hầu hết các nền văn hóa, từ phương Tây đến phương Đông. 

Viết là một dạng của liệu pháp biểu cảm sử dụng hành vi viết và xử lý chữ viết như một cách để điều trị. Đây là một công cụ khuyến khích bạn viết ra cảm xúc của mình để hàn gắn tổn thương và xử lý các vấn đề về cảm xúc. 

Viết là một phương pháp trị liệu hữu hiệu của thời hiện đại. Mỗi lần viết là một lần bạn được sắp xếp lại tư duy, những vấn đề của bản thân để thay đổi, sáng tạo và phát triển. Một số lợi ích của viết cho sức khỏe tinh thần của con người là:

Viết giúp tâm trí giải tỏa những suy nghĩ

Tâm trí chúng ta luôn cố gắng để hiểu về những gì xảy đến với mình. Khi một sự kiện chấn động/một biến động lớn xảy ra, tâm trí phải tăng cường hoạt động để xử lý trải nghiệm đó. Nghĩ ngợi về sự kiện có thể khiến chúng ta không ngủ được, mất tập trung khi làm việc, và thậm chí là không kết nối được với người khác.

Rất nhiều người vì một lời nói, một cử chỉ, một hành động của người khác lại trở nên bị kích động, suy nghĩ rất nhiều và rất khó ngủ về đêm. Hoặc có thể là một sự kiện thời thơ ấu làm bạn tổn thương và bị khơi gợi lại trong vài tình huống nhưng lại không được chữa lành, nó khiến tâm trí bạn phải liên tục tìm cách giải quyết và rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Khi chúng ta chuyển một trải nghiệm sang ngôn ngữ, về cơ bản chúng ta đã làm cho các trải nghiệm này trở nên dễ hiểu hơn. Tâm trí chúng ta được giảm tải áp lực khi tất cả những cảm xúc lẫn tình huống được diễn giải bằng câu chữ. Tất cả những năng lượng tiêu cực đi cùng với nó cũng đi theo từ ngữ mà giải phóng đi rất nhiều.

Đó là lý do vì sao khi thực hiện liệu pháp viết để chữa lành, nhiều người cũng có thể ngủ tốt hơn, kết nối xã hội được cải thiện hơn và cảm thấy tích cực hơn.

Viết giúp chúng ta kể lại câu chuyện của mình với một góc nhìn khác.

Thêm một lý do vì sao viết có thể chữa lành đó là khi bạn viết về một trải nghiệm không mong muốn dưới dạng một câu chuyện, bạn cho phép mình đứng bên ngoài câu chuyện đó như một người quan sát và ghi chép lại. Việc này giúp bạn thoát khỏi vai nạn nhân và không còn tâm thế bị tổn thương nữa.

Thông qua việc viết, bạn trở thành người chủ động định hình câu chuyện cuộc đời bạn. Rằng tất cả các việc xảy ra trên đời này nếu xâu chuỗi lại đều có lý do, rằng mọi việc xảy cho CHO BẠN, chứ không xảy ra VỚI BẠN, bạn cho phép mình thoát ra khỏi bi kịch đó và viết lại cuộc đời theo một cách khác.

Tuy nhiên, giáo sự Pennebaker cũng lưu ý rằng việc viết nên được sử dụng một cách thận trọng. Ông nói rằng nếu một đề tài có vẻ quá đau đớn để nghĩ đến thì đừng cố gắng lôi nó ra trước khi bạn sẵn sàng. Điều bạn cần làm là CHẤP NHẬN mọi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của bản thân và tin tưởng rằng mọi chuyện đều sẽ qua và khi sẵn sàng hãy dành thời gian để làm bài tập viết, chữa lành và kể lại câu chuyện của bạn.

Bài tập viết cơ bản của tiến sĩ Pennebaker:

1. Viết tự do

Đây là phương pháp đơn giản nhất. Tất cả những gì bạn cần làm là viết ra những suy nghĩ trong đầu. Bạn đang quan tâm tới điều gì, đang cảm thấy như thế nào, đang ngửi thấy mùi gì, đang nhìn thấy điều gì

Đây là cách viết mà bạn có thể áp dụng chánh niệm vì nó đưa người viết về hiện tại. Viết tự do là cách định tâm trí-vốn bận rộn với hàng triệu suy nghĩ đến và đi mỗi ngày- giúp chúng ta nhận thức được những thứ bên ngoài và bên trong bản thân ngay lúc này.

2. Viết biểu cảm

Phương pháp này thường được dùng với người có sang chấn tâm lý hay cảm xúc tiêu cực. Để bắt đầu, hãy viết về suy nghĩ và cảm xúc về chuyện mà bạn đã trải qua. Tìm hiểu xem chấn thương này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Nếu tổn thương quá lớn, cách tốt nhất là nên thực hiện với một chuyên gia tâm lý hoặc một người đã có kinh nghiệm hướng dẫn viết biểu cảm cho người khác.

Viết biểu cảm còn có thể thực hiện bằng cách viết ra những điều bạn cảm thấy biết ơn. Từ những việc lớn như nhận được một món quà, một sự giúp đỡ cho đến những việc nhỏ bé như bữa ăn hôm nay, một ngày bình an đón ánh mặt trời lên. Khi biểu lộ cảm xúc ra bằng cách viết và để cho cảm xúc mình tuôn chảy mà không trốn tránh hay tìm cách ngăn cản nó, bạn đang trân trọng những cảm xúc của chính mình.

3. Viết phản tư

Viết về những suy nghĩ tích cực hay cả tiêu cực của bạn về một sự kiện, cuộc gặp gỡ, hay một vấn đề nào đó. Viết về những gì đã xảy ra và bài học rút ra từ việc đó. Viết cho một người mình biết ơn hay viết cho người mình lỡ gây tổn thương cho họ. Bạn thậm chí có thể viết thư cho bản thân trong quá khứ, viết cho bản thân của tương lai.

Phương pháp này giúp bạn hiểu cách bạn phản ứng với những điều đang xảy ra xung quanh bạn. Thậm chí nếu bạn dành thời gian đủ lâu và kiên trì thực hiện nó, bạn có thể lý giải vì sao những con người, sự kiện đó lại xảy ra với bạn. Tại sao nó lại xảy ra vào thời điểm đó mà không phải một lúc khác.

Một số lưu ý:

  • Không cần quan tâm ngữ pháp, chính tả, câu cú dài ngắn, không cần quan tâm nó có lý không, cứ viết ra bất cứ điều gì xẹt ngang tâm trí bạn.
  • Cứ viết đi vì chỉ có mình bạn đọc nó thôi, nếu muốn bạn có thể đốt nó sau khi viết.
  •  Viết trong khoảng từ 5- 15 phút.

You may also like...

Bài viết phổ biến

Leave a Reply

Your email address will not be published.