Writing and freelancing

Bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời?

GIAI ĐOẠN 1: BẮT CHƯỚC

Khi còn nhỏ, cách chúng ta bắt buộc phải học là quan sát và bắt chước người khác. Đầu tiên chúng ta học các kỹ năng thể chất như đi đứng và nói năng.Vào giai đoạn cuối thời thơ ấu, chúng ta học cách thích nghi với môi trường lớn lên của mình bằng cách quan sát các quy tắc xã hội và cố gắng cư xử theo cách mà mọi người đều làm.

Mục tiêu của giai đoạn 1 là dạy chúng ta có thể trở thành những người trưởng thành tự chủ và tự lập. Lý tưởng  nhất là cha mẹ/ người chăm sóc và thầy cô chúng ta đạt được việc này thông qua việc hỗ trợ, giúp chúng ta xây khả năng  tự đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

Nhưng với nhiều người, quá trình này diễn ra thật TỆ. Người lớn trừng phạt trẻ con vì chúng muốn độc lập. Họ không ủng hộ chúng ta sống cuộc đời theo cách của mình. Và do đó chúng ta không phát triển quyền tự chủ. Chúng ta bị mắc kẹt trong giai đoạn 1, không ngừng bắt chước những người xung quanh, không ngừng cố gắng làm hài lòng tất cả để không bị đánh giá.

Ở một cá nhân “bình thường”, Giai đoạn Một sẽ kéo dài cho đến cuối tuổi vị thành niên và đầu tuổi trưởng thành. Đối với một số người, giai đoạn này có thể kéo dài hơn nữa đến tuổi trưởng thành. Một số ít người vào một ngày nào đó thức dậy ở tuổi 45 nhận ra rằng họ chưa bao giờ thực sự sống cho chính mình và tự hỏi những năm qua đã đi về đâu.

GIAI ĐOẠN 2: KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Giai đoạn 2 là tìm hiểu những gì làm cho chúng ta khác biệt với người khác và những thứ xung quanh chúng ta. Giai đoạn 2 đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu đưa ra quyết định cho chính mình, tự kiểm tra bản thân và tìm hiểu giá trị của mình và điều gì khiến chúng ta trở nên khác biệt.

Giai đoạn 2 bao gồm rất nhiều thử nghiệm và sai lầm. Chúng ta liên tục thử nghiệm với việc sống ở những địa điểm mới, tiếp thu những kiến thức mới, nền văn hóa mới và giao lưu với những người mới.

Giai đoạn 2 của mỗi người đều khác nhau vì mỗi người trong chúng ta đều khác nhau. Một số người quá trình này ở giai đoạn 2 diễn ra tốt đẹp. Một số người trong thì không. Mục tiêu của giai đoạn này là tìm kiếm và  gắn bó với những cái ta cho là tốt trong một thời gian. Giai đoạn Hai kéo dài cho đến khi chúng ta bắt đầu vượt qua những giới hạn của chính mình.

Ở những người” bình thường”, giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi vị thành niên và kéo dài đến giữa những người từ 20 đến giữa 30 tuổi. Những người ở trong giai đoạn 2 sau đó thường được gọi chung là những người mắc “Hội chứng Peter Pan” -tuổi thanh xuân vĩnh viễn, luôn khám phá bản thân nhưng chẳng tìm thấy gì.

GIAI ĐOẠN 3: TÌM RA MỤC ĐÍCH SỐNG VÀ TOÀN TÂM TOÀN Ý VỚI NÓ

Một khi bạn đã vượt qua ranh giới của chính mình và tìm thấy những hạn chế của bản thân hoặc nhận thấy sự hứng thú giảm dần của các hoạt động thì bạn thực sự chỉ còn lại  hai thứ: một là những gì thực sự quan trọng đối với bạn, hai là bạn không giỏi ở điều gì.

 Bây giờ đã đến lúc tạo nên dấu ấn của bạn với cuộc đời.

Giai đoạn 3 là sự hợp nhất tuyệt vời trong cuộc đời của một người. Hãy bỏ đi những giấc mơ cũ mà rõ ràng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Sau đó, bạn xác định lại những gì bạn giỏi nhất và những gì là tốt nhất dành cho bạn. Bạn nhân đôi những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Bạn hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất trong đời, cho dù đó là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hay trở thành một nghệ sĩ  hay trở thành một youtuber/tiktoker. Dù đó là gì, Giai đoạn 3 là  giai đoạn bạn hoàn thành nó.

Giai đoạn 3 là tất cả về việc tối đa hóa tiềm năng của chính bạn trong cuộc đời này. Đó là tất cả về việc xây dựng di sản của bạn. Bạn sẽ để lại gì khi bạn ra đi? Mọi người sẽ nhớ đến bạn như thế nào? 

Ở những người “bình thường”, Giai đoạn 3 thường kéo dài từ khoảng 30 tuổi cho đến khi một người đến tuổi nghỉ hưu.

GIAI ĐOẠN 4: BUÔNG BỎ VÀ ĐỂ LẠI DI SẢN

Bạn để lại điều gì khi bạn ra đi?

Bạn có thể giao phó lại các dự án hay công việc của mình như là một người thầy trao lại những kiến thức quý giá cho học trò, trao một nhân cách, một trái tim đầy tình yêu thương và vững chãi để họ bước đi trong cuộc đời…

Ở giai đoạn 4, với những gì đã làm được họ sẽ mãn nguyện khi nhìn lại và thanh thản nếu phải rời khỏi cuộc đời này. Sai lầm là khi về già, nhiều người không biết dừng lại để trao truyền cho người khác và để lại di sản của mình ngay cả khi mình rời khỏi cuộc đời này. Họ bám víu vào những thứ do mình tạo ra tới hơi thở cuối cùng.

VÌ SAO CHÚNG TA “MẮC KẸT” Ở TỪNG GIAI ĐOẠN?

Trong giai đoạn 1, phần lớn chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác để được hạnh phúc. Mọi người gặp khó khăn ở giai đoạn 1 bởi vì họ luôn cảm thấy như thể bản thân luôn không hoàn hảo, thường mắc sai sót và khác biệt so với người khác. Vì vậy họ nỗ lực hết mình để phù hợp với những gì mà những người xung quanh muốn thấy hoặc chấp thuận. 

Ở giai đoạn 1, phần lớn chúng ta sống để cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, để được yêu thương và được chấp nhận. Nhưng bất kể chúng ta làm bao nhiêu đi nữa, họ cảm thấy như thể không bao giờ là đủ.

Trong giai đoạn 2, chúng ta dựa vào thành công bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc như là kiếm thật nhiều tiền, trở nên thật nổi tiếng, tham gia các cuộc thi đấu chỉ để giành danh hiệu…Ở giai đoạn 2, mọi người gặp khó khăn bởi vì họ cảm thấy như thể họ phải luôn làm nhiều hơn, làm điều gì đó tốt hơn, làm điều gì đó mới và thú vị, cải thiện điều gì đó. Nhưng cho dù họ có làm bao nhiêu đi nữa, họ vẫn cảm thấy như thể chưa bao giờ là đủ.

Việc nhận ra những giới hạn của bản thân rất quan trọng bởi vì cuối cùng ai rồi cũng sẽ nhận ra rằng thời gian của mỗi người trên hành tinh này là có hạn. Và do đó, chúng ta nên dành cho bản thân những thứ quan trọng nhất. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi thứ đều có chi phí cơ hội và bạn không thể có tất cả. Điều đó có nghĩa là bạn không cần khiến tất cả mọi người thích mình và ủng hộ giấc mơ của bạn.

Một số người không bao giờ cho phép mình cảm thấy có giới hạn. Vì họ không chịu thừa nhận thất bại của mình hoặc vì họ tự huyễn hoặc bản thân khi tin rằng những giới hạn của bản thân không tồn tại. Đây là những người không thể ổn định mối quan hệ lâu dài với bất cứ ai bởi vì họ luôn có cảm giác rằng có ai đó tốt hơn ở gần và họ xứng đáng với những cơ hội tốt hơn. Đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một điều không thể tránh khỏi: cuộc đời ngắn ngủi và không phải giấc mơ nào cũng có thể thành hiện thực.

Ở giai đoạn 3, chúng ta cố gắng giữ các mối quan hệ và nỗ lực để chứng tỏ bản thân kiên cường và đắt giá. Ở giai đoạn 3, mọi người gặp khó khăn bởi vì họ cảm thấy như thể họ chưa tạo ra đủ ảnh hưởng và có ý nghĩa với thế giới. Họ cho rằng họ đã không tạo ra tác động trong các lĩnh vực cụ thể mà họ đã cam kết. Nhưng cho dù họ có làm bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn cảm thấy như thể không bao giờ là đủ

Và ở giai đoạn 4, chúng ta cố gắng giữ vững những gì chúng ta đã đạt được như tiền bạc, thành tựu, danh tiếng… càng lâu càng tốt. Ở giai đoạn Bốn, mọi người cảm thấy bế tắc vì họ cảm thấy không an tâm rằng di sản của họ sẽ không tồn tại hoặc không gây ra bất kỳ tác động đáng kể nào đến các thế hệ tương lai. Họ bám vào nó và giữ lấy nó đến hơi thở cuối cùng. 

KẾT CHO BÀI NÀY

Các giai đoạn sau không thay thế các giai đoạn trước. Cái trước nuôi dưỡng cái sau lớn lên. 

Mỗi giai đoạn thể hiện sự thay đổi các ưu tiên trong cuộc sống của một người. Chính vì lý do này mà khi một người chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, người ta thường sẽ trải qua sự thay đổi to lớn trong mối quan hệ bạn bè và các mối quan hệ xung quanh. 

Ví dụ như là bạn đang ở Giai đoạn 2 và tất cả bạn bè của bạn đều ở Giai đoạn 2 thì đột nhiên bạn xác định được giá trị của bản thân, sứ mệnh, cam kết làm việc và cống hiến để bước vào Giai đoạn 3. Nhưng bạn bè của bạn vẫn ở Giai đoạn 2, sẽ có một sự ngắt kết nối giữa của bạn và bạn bè của bạn. 

Sự phát triển bản thân thường được miêu tả như một quá trình từ ngu ngốc đến giác ngộ, bao gồm rất nhiều niềm vui, như khi bạn tung tăng trên những cánh đồng hoa cúc, hai nghìn người ăn mừng tại một buổi hội thảo làm giàu mà bạn đã trả rất nhiều tiền để có mặt.

Nhưng sự thật là sự chuyển đổi giữa các giai đoạn trong cuộc đời thường được kích hoạt bởi nỗi đau đủ lớn hoặc một sự kiện tiêu cực quá lớn trong cuộc đời của một người như ly hôn, nợ nần đến phá sản, sự ra đi của một người thân yêu hoặc chính bản thân mắc một bệnh nan y và đối mặt với cái chết.

Tổn thương khiến chúng ta phải lùi lại và đánh giá lại những động cơ và quyết định sâu sắc nhất của cuộc đời mình. Nó cho phép chúng ta phản ánh xem liệu các chiến lược theo đuổi hạnh phúc của chúng ta có thực sự hiệu quả hay không.

Bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời? 

Bài viết có tham khảo trang: https://markmanson.net/four-stages-of-life, tác giả Mark Manson. 

You may also like...

Bài viết phổ biến

Leave a Reply

Your email address will not be published.