Writing and freelancing

Mẹ bỉm vừa viết kiếm tiền vừa chăm con thế nào?

Sau khi em bé thứ 3 được 11 tháng thì mình bước chân vào nghề viết lách và trở thành một người viết kiếm sống với thu nhập trung bình 15 đến 20 triệu/ tháng. Viết lách phù hợp với tiêu chí làm mẹ của mình vì những đặc điểm sau: 

  • Đây là một công việc có thể làm online tại nhà hoặc bất cứ đâu miễn là bạn có một chiếc laptop kết nối internet.
  • Bạn không cần tốt nghiệp trường báo hay bắt buộc phải có một chứng chỉ viết lách cụ thể nào vì đây là kỹ năng có thể hoàn thiện theo thời gian.
  • Đây là công việc giúp bạn phát triển bản thân, rèn luyện khả năng tư duy, phản biện, nghiên cứu và tính kham nhẫn.
  • Đây là công việc tiềm năng, thu nhập không giới hạn tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng, thời gian và công sức bạn bỏ ra.

Khi mình bắt đầu chia sẻ công việc này lên mạng xã hội thì nhiều mẹ bỉm sữa khác cũng bày tỏ tâm sự rằng muốn kiếm thêm thu nhập bằng viết lách nhưng ngại rằng viết lách là phải có năng khiếu. Ngoài ra khi mình hướng dẫn viết 1:1 cho học viên là mẹ bỉm sữa, các bạn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thời gian, cân bằng giữa việc làm mẹ và viết kiếm tiền. 

Mình hoàn toàn thấu hiểu nỗi niềm này vì mình cũng đã từng bị “xoay đến chóng mặt” bởi hàng chuỗi công việc: nhà cửa, chăm sóc con, việc nhà…Đó là lý do mình cho ra đời bài viết này để gợi ý các bạn cách quản lý thời gian, cân bằng cuộc sống và vừa làm mẹ vừa kiếm tiền, cho dù bạn có theo đuổi công việc viết lách hay không!

1.Xác định khoảng thời gian có thể làm việc của bạn

Viết lách là một công việc đòi hỏi sự yên tĩnh và tập trung nên để theo đuổi công việc này bạn cần phải xác định khoảng thời gian có thể hoàn toàn rảnh tay cho công việc. Thời điểm lý tưởng nhất là khi con bạn đã ngủ. Còn trong ngày, nếu bạn có thêm thời gian, hãy làm các công việc không đòi hỏi quá nhiều sự tập trung như: tìm kiếm khách hàng, đọc sách, đọc các bài chia sẻ của những cây viết giỏi, tìm kiếm ý tưởng…

Cá nhân mình dù con có đi nhà trẻ hay không thì mình vẫn sẽ dậy sớm và nghiên cứu trong khoảng thời gian 5 đến 6h sáng. Sau đó mình sẽ chuẩn bị bữa sáng và cho con ăn hoặc cho các con đến trường.

Nếu con đi học thì khoảng thời gian còn lại mình sẽ hoàn toàn dành cho công việc, bao gồm viết cho khách hàng, viết cho bản thân. Khoảng thời gian sau 4h chiều là lúc mình rời khỏi công việc, dành thời gian cho gia đình như nấu ăn, đón con từ trường, cho các con ăn tối, hướng dẫn con học và nghỉ ngơi.

2. Lên lịch trình công việc mỗi ngày và ưu tiên những việc quan trọng

Nếu đã làm mẹ chắc hẳn bạn cũng biết mọi thứ có thể nhanh chóng trở thành hỗn loạn như thế nào nếu không có lịch trình. Giống khi luyện ngủ cho con, mình thích làm việc và sinh hoạt theo một lịch trình có tuần tự cố định và các bạn nhỏ nhà mình cũng vậy!

Theo cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt“, Stephen Covey đưa ra trình tự phân loại công việc theo tầm quan trọng và mức độ khẩn cấp như sau: 

  • Khẩn cấp và quan trọng
  • Quan trọng nhưng không khẩn cấp
  • Khẩn cấp nhưng không quan trọng
  • Không khẩn cấp và không quan trọng

3. Tự động hóa suy nghĩ của bạn cho các đầu việc ít quan trọng

Nếu vừa trông con vừa làm việc bạn sẽ nghe hàng tá câu hỏi như: “Mẹ ơi, cái áo màu hồng của con ở đâu?” hoặc “Mẹ ơi con đói” hoặc “Chị hai lấy đồ chơi của con!”Đến cuối ngày, não của mình trở nên hỗn độn, cạn kiệt ý tưởng và chẳng muốn viết gì!

Theo một nghiên cứu gần đây, càng đưa ra nhiều quyết định, bạn sẽ càng đưa ra những quyết định phi lý trí và kém khôn ngoan hơn.

Mình sẽ mách bạn mẹo có thể giúp ngăn chặn cạn kiệt năng lượng và ý tưởng bằng cách sử dụng một công thức đơn giản: “Khi X xảy ra, thì tôi sẽ làm Y.”

Ví dụ, “Khi hai đứa con tranh nhau thứ gì đó, thì mình sẽ lấy nó khỏi cả hai đứa”.

Công thức này giúp bạn tiết kiệm suy nghĩ nó được lập trình để tự động hóa vì khi X xảy ra, bạn sẽ không phải dừng lại và suy nghĩ về cách xử lý tình huống. 

Ví dụ: Khi đồng hồ điểm đúng 15h45 thì mình sẽ rời khỏi bàn bất kể còn dang dở và đi đón con.

Bạn có thể sử dụng công thức này cho TẤT CẢ các vấn đề phổ biến trong gia đình của bạn. Đây cũng là một công thức đơn giản để hình thành thói quen tốt mới và phá bỏ những thói quen xấu cũ. Bạn càng phải đưa ra ít quyết định hàng ngày, bạn càng bớt căng thẳng.

Một mẹo nữa đó là bạn có thể giảm sự mệt mỏi bằng cách loại bỏ các lựa chọn.

Ví dụ: thay vì đau đầu nghĩ xem thực đơn hôm nay ăn gì thì bạn có thể áp dụng công thức sau: “ Mỗi tuần chỉ ăn hải sản” hoặc “Thứ hai không có thịt”.

Điều này cũng phù hợp với những thương hiệu bạn mua, quần áo bạn mặc, những gì bạn sẽ làm, bạn sẽ đi đâu và những con đường bạn đi để đến đó. Tất cả những điều nhỏ nhặt sẽ tạo ra rất nhiều thời gian và năng lượng tinh thần.

Để dành năng lượng và sự tập trung cho những ý tưởng quan trọng và sáng tạo là lý do tại sao một số thiên tài ăn những thứ giống nhau vào bữa sáng hoặc mặc những bộ trang phục giống nhau ngày này qua ngày khác. Nếu để ý những người cực giàu như Bill Gates hoặc Mark Zuckerberg. bạn sẽ thấy họ ăn mặc rất đơn giản.

4. Kỷ luật với bản thân

Một điều mình quan sát được là đa phần những người làm việc tự do thường kỷ luật bản thân rất kém. Vì ở nhà, bạn có thể làm bất cứ khi nào bạn muốn và không có ai giám sát bạn cả! Điều này trở thành một thử thách lớn với các mẹ bỉm sữa theo đuổi công việc viết lách. 

Con ốm, con vòi vĩnh, con cáu kỉnh…và bạn bắt đầu quên mất mình còn phải dành thời gian cho công việc của mình. Bạn bắt đầu viện cớ có con nhỏ, đợi con lớn hơn một chút! Nếu không cam kết và kỷ luật với bản thân thì ngay khi con lớn và bạn có rất nhiều thời gian đi nữa, bạn vẫn không thể dành thời gian cho công việc được!

5. Thuê ngoài những đầu việc kém quan trọng hoặc không giỏi/ không phải chuyên môn của bạn.

Nhiều người mẹ có tính chu toàn, ưa hoàn hảo và muốn tự mình làm tất cả. Hoặc là người mẹ rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho con, không thích ăn ngoài và đích thân nấu nướng tất cả các bữa. Điều này không có gì sai nếu bạn không phải làm việc để kiếm tiền. Nhưng nếu bạn vừa phải làm việc vừa chăm sóc con nhỏ, tin mình đi, giảm tải các đầu việc kém quan trọng như lau dọn nhà cửa, rửa chén…sẽ giúp bạn tiết kiệm được khoảng thời gian đáng kể.

Và đối với một số bà mẹ đi làm và có thu nhập tốt, thuê ai đó giúp việc nhà có thể là điều bạn cần thiết và giúp họ tập trung vào công việc, gia đình tốt hơn.

Mình đã sử dụng dịch vụ giúp việc theo giờ trước khi dịch bệnh xảy ra. Khi dịch covid bùng phát mình đã không thể thuê ai vào hỗ trợ các công việc này nhưng may mắn là chồng mình làm việc online tại nhà và tụi mình chia sẻ công việc nhà lẫn công việc chăm sóc con cái.

Khi công việc của mình đã đi vào ổn định và có thu nhập khá, mình đã mua thêm một số công cụ hỗ trợ việc nhà như máy hút bụi tự động, máy rửa chén…Ngoài ra, một số đầu việc mình thuê ngoài từ trong gia đình đến business của mình là dịch vụ giao đồ ăn của grab, đi chợ hộ. Điều quan trọng nhất là mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi không phải đa nhiệm mà vẫn có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống của cả gia đình.

6. Chia việc theo lô và làm việc theo các khối thời gian

Làm việc theo lô là bạn thực hiện các công việc tương tự nhau cùng một lúc. Lợi ích của việc làm việc theo lô là giúp loại bỏ thời gian và tổn hao năng lượng của não để chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, do đó bạn hoàn thành công việc nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ví dụ: Mình có 4 khách hàng cùng phải phục vụ cùng lúc. Thể loại mà khách hàng yêu cầu viết là khác nhau nhưng có một điểm chung là đều phải tiến hành nghiên cứu trước khi viết. Vậy là trong khoảng thời gian làm việc theo lô, mình chỉ làm mỗi công việc nghiên cứu để viết bài và không làm việc khác. Sau đó, ở khoảng thời gian viết bài, mình chỉ tập trung viết dựa trên những gì mình đã nghiên cứu trước đó.

7. Tập sống đơn giản 

Lối sống tối giản (hay còn gọi là Minimalism) là phong cách sống với một số lượng rất ít các vật dụng thiết yếu bằng cách loại bỏ đi những điều không cần thiết hoặc không cần dùng đến, tạo một không gian sống gọn gàng, có nhiều “khoảng trống” cho tâm trí người ở trong không gian đó.

Việc giảm các nhu cầu mua sắm những thứ không thật sự cần thiết và tối giản lối sống giúp mình tiết kiệm tiền bạc và thời gian đáng kể. Nhiều mẹ bỉm vẫn nghĩ sống tối giản chỉ áp dụng cho người độc thân, còn gia đình có trẻ nhỏ thì làm sao tối giản cho được? Không lẽ không mua sắm quần áo, đồ chơi cho các con?

Trẻ không cần quá nhiều đồ dùng và đồ chơi. Trẻ cần thời gian chất lượng của ba mẹ và sự quan tâm, chơi đùa cùng trẻ. Nếu gia đình đông con, bạn có thể tận dụng những vật dụng mắc tiền như xe đẩy, cũi, ghế ăn…cho các bé sau. Bữa ăn của trẻ cũng không cần quá cầu kỳ hay chế biến phức tạp. Phương châm của mình là thực phẩm tươi, sạch và chế biến lượng vừa đủ để ăn trong ngày, không tái sử dụng cho ngày hôm sau.

Khi chế biến thức ăn cho con mình sẽ dùng nguyên liệu chung của ba mẹ, sau đó chế biến lại thành độ thô vừa độ tuổi của con rồi cho con ngồi vào ghế ăn, vừa ăn vừa quan sát ba mẹ. 

Phòng các con mình không để quá nhiều đồ mà tạo nhiều khoảng trống để các con vận động, chạy nhảy. Mình đưa con ra công viên, khu vui chơi ngoài trời miễn phí để con hấp thụ vitamin D, đón gió, nắng và thích nghi với môi trường. Đó là cách mình khai thác các nguồn lực tự nhiên vô cùng dồi dào và miễn phí để nuôi con.

Sống tối giản không phải chỉ đơn giản hóa không gian sống vật chất xung quanh mà con đơn giản hóa thế giới tinh thần. Ngày nay, chúng ta đều tiếp nhận khối lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội, báo đài..Khỏi cần nói chắc hẳn não bộ của chúng ta dù muốn dù không cũng phải tốn kha khá năng lượng để xử lý.Sống tối giản về tinh thần còn là việc sàng lọc những mối quan hệ thân thiết, cần thiết cho cuộc sống của bạn.

Do đó, để tránh cho bộ não quá tải cũng mắc phải các hội chứng tâm lý của thời đại 4.0 như hội chứng mình không đủ giỏi, hội chứng FOMO…chúng ta chỉ tiếp nhận những thông tin cần thiết thực sự có ý nghĩa, biết cách tập trung vào những điều quan trọng để từ đó sống nhẹ nhàng hơn.

You may also like...

Bài viết phổ biến

Leave a Reply

Your email address will not be published.